Hiện nay hàng triệu thực phẩm khác nhau đang được bán trên thị trường với quảng cáo là “tốt cho sức khỏe”. Nhiều loại trong số này có lợi ích thực sự, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng tích cực. Hoặc chúng được chế biến theo cách cắt giảm lượng calo, đường, muối và chất béo, mang đến sự thay thế lành mạnh hơn so với phiên bản truyền thống.
Tuy vậy, theo Eat This Not That (bộ sách hướng dẫn về ăn uống), nhiều loại thực phẩm gắn mác “lành mạnh” lại chứa nhiều đường, gây hại hơn cả kẹo ngọt. Theo các chuyên gia, kẹo vốn được coi là không tốt cho sức khỏe vì nhiều đường, calo và không cung cấp nhiều chất dinh dưỡng.
"Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng cân, sâu răng và tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim", chuyên gia dinh dưỡng Trista Best cho biết.
1. Hoa quả sấy khô
Ăn trái cây có thể tốt cho sức khỏe, nhưng trái cây khô thì khác. Chúng chứa nhiều đường và calo, kích thước nhỏ hơn khiến bạn muốn ăn nhiều hơn và từ đó dễ tăng cân. Vậy nên chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên chọn hoa quả tươi tiện lợi để ăn như táo, chuối, nho,...
Tuy vậy, bạn không cần phải hoàn toàn loại bỏ loại thực phẩm này. Nhưng hãy đảm bảo ăn nó ở mức độ vừa phải, đặc biệt là trong những ngày Tết sắp tới.
2. Granola
Khi nhắc đến các loại ngũ cốc tốt cho sức khỏe, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến granola. Các công ty sản xuất muốn bạn nghĩ rằng loại thực phẩm này là một sự thay thế lành mạnh cho các loại ngũ cốc ăn sáng có đường khác. Trên thực tế, nhiều loại granola sử dụng các loại dầu khác nhau để kết dính các loại ngũ cốc lại với nhau, sau đó được làm ngọt bằng đường.
Trista Best cho biết: “Granola thường được bán trên thị trường như một lựa chọn tốt cho sức khỏe, nhưng nó có thể chứa nhiều đường và chất béo không lành mạnh. Điều quan trọng là bạn phải đọc nhãn và chọn granola có lượng đường thấp, được làm bằng ngũ cốc nguyên hạt và chứa chất béo lành mạnh”.
3. Thanh năng lượng (Energy bars)
Trong khi nhiều người tin rằng thanh năng lượng luôn gắn với lối sống lành mạnh thì loại thực phẩm này lại có hàm lượng dinh dưỡng thấp. Khi bạn đọc bảng thành phần ở bao bì, bạn có thể bị sốc khi nhận ra tỷ lệ carbs và chất béo cực kỳ cao.
Best giải thích: “Các thanh năng lượng thường được bán trên thị trường như một món ăn nhẹ lành mạnh, tiện lợi, nhưng nhiều loại lại chứa nhiều đường và calo. Vì vậy, hãy chọn các thanh năng lượng được làm bằng ngũ cốc nguyên hạt và có hàm lượng đường thấp hơn".
4. Sữa chua đông lạnh
Nếu phải lựa chọn món tráng miệng tốt cho sức khỏe, giữa kẹo và sữa chua đông lạnh, chắc hẳn nhiều người sẽ ngay lập tức ăn sữa chua. Nhưng lượng đường và chất béo dồi dào chứa trong loại thực phẩm này là điều có thể nhiều người chưa biết.
Tiến sĩ Lisa R. Young, thành viên trong Hội đồng chuyên gia y tế của Eat This Not That cho biết nhiều loại sữa chua đông lạnh chứa nhiều đường hơn cả kẹo và kem, nhưng vì mọi người vẫn nghĩ đó là sữa chua nên thường ăn rất nhiều.
Theo nghiên cứu của The Cleveland Clinic (một tổ chức y tế phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ), sữa chua đông lạnh thậm chí còn được xếp hạng là một trong 6 món ăn nhẹ bí mật làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể bạn.
5. Súp đóng hộp
Nhiều loại súp đóng hộp được quảng cáo "tốt cho sức khỏe" đã xuất hiện trong những năm qua, nhưng không phải thương hiệu nào cũng thực sự lành mạnh.
"Do các loại súp này chứa hàm lượng natri cực cao, ít hoặc không có protein và chất xơ, cùng với đó là hàm lượng đường cao gấp nhiều lần. Chúng có thể được đóng trong loại hộp chứa BPA - chất làm tăng nguy cơ béo phì và kháng insulin," chuyên gia dinh dưỡng Bridget MacDonald cho biết.
6. Nước sốt salad ít béo
Salad luôn được nhắc đến là món ăn lành mạnh, nhưng thứ phủ lên món salad mới là vấn đề. Nhiều loại nước sốt salad ít chất béo có lượng đường cao và chất béo kém chất lượng.
Chuyên gia MacDonald nói: “Thông thường thành phần chính của các loại sốt này là dầu thực vật, chứa một lượng lớn axit béo omega 6 có thể dẫn đến chứng viêm mạn tính trong cơ thể. Chúng hầu như luôn chứa nhiều đường. Một thanh chocolate nhỏ có ít đường hơn nhiều".
Bạn có phải tránh 6 những thực phẩm mãi mãi này không?
Có thể bạn đang tự hỏi có phải tránh xa các loại thực phẩm kể trên để có một lối sống lành mạnh hay không. Chuyên gia Trista Best cho rằng bạn nên nhìn vào tổng thể chế độ ăn của bạn, thay vì một món ăn.
“Điều quan trọng cần nhớ là không có loại thực phẩm nào là 'lành mạnh' hay 'không lành mạnh' khi tách biệt. Quan trọng là sự cân bằng tổng thể trong chế độ ăn uống của bạn”, Best nói.
"Bạn có thể thỉnh thoảng thưởng thức những món này, nhưng không nên ăn quá thường xuyên", Best cho biết thêm. "Thay vào đó, hãy cố gắng kết hợp nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc vào các bữa ăn chính và bữa phụ của bạn."
Nguồn: Eat This Not That