Ung thư dạ dày là căn bệnh về đường tiêu hoá rất nguy hiểm, đứng hàng thứ 2 trong số 10 loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư dạ dày cao và tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày cao nhất trong khu vực.
Qua những nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân gây ung thư dạ dày phần nhiều là có liên quan đến thói quen ăn uống và bệnh về dạ dày.
Vì thế, những người hút thuốc lá, nghiện rượu, hay ăn đồ chế biến sẵn, người béo phì có nguy cơ mắc ung thư dạ dày rất cao. Ngoài ra yếu tố gây bệnh còn ở những bệnh biến tiền ung thư và yếu tố di truyền.
Rất may mắn ung thư dạ dày có thể ngăn ngừa và chữa được, chỉ cần phát hiện sớm, điều trị sớm, tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%.
Nhưng việc hiểu được cách phòng tránh ung thư dạ dày có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do vậy, cách tốt nhất là chúng ta nên hình thành một số thói quen hàng ngày nhằm hạn chế khả năng mắc ung thư dạ dày.
1. Hạn chế ăn hoặc ăn ít các món ăn muối
Nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen ăn các loại thực phẩm ướp muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Thực tế cho thấy các món ăn như cá muối, rau muối phổ biến ở Châu Á chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp. Dưới tác động của vi khuẩn hoặc độ axit thích hợp trong dạ dày có thể hợp thành hợp chất nitrosamines, một chất gây ung thư rất mạnh.
Không những thế, các nhà nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo muối cũng là tác nhân thúc đẩy, kích hoạt các tế bào gây ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là chúng ta khó có thể đo lường được lượng muối dung nạp vào cơ thể. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nhu cầu bổ sung muối hàng ngày trung bình khoảng 6g/người/ngày, tức là 1 thìa cà phê.
2. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn
Các loại thịt xông khói, xúc xích, đồ hộp… hiện đang rất được nhiều người yêu thích vì tính tiện lợi và ngon miệng.
Tuy nhiên chúng ta đều không ngờ rằng trong chúng lại ẩn chứa nguy cơ gây ung thư dạ dày cao do có chứa nhiều nitrit – thành phần giúp duy trì màu và ngăn sự phát triển của vi khuẩn
3. Hạn chế các món được chế biến ở nhiệt độ cao và trong dầu mỡ
Đa số các món ăn như gà ran, khoai tây chiên, bánh mì rán... đều được chế biến ở nhiệt độ cao. Khi đó, các chất trong thực phẩm sẽ chuyển hóa thành acrylamid – một chất gây ung thư dạ dày.
Thêm vào đó, những thực phẩm chiên rán, sấy, nướng, xào và những thực phẩm dùng dầu nóng nấu đi nấu lại nhiều lần cũng có chứa chất gây ung thư giống như vậy.
4. Không ăn những thực phẩm nấm mốc
Có rất nhiều thực phẩm rất dễ bị nấm mốc, nhất là các loại hạt như hạt hướng dương, lạc, đậu nành... hay một số thực phẩm khô khác như ngũ cốc, bánh kẹo hay cá khô...
Mốc là do nhiễm khuẩn gây ra, trong số các loại nấm có những chân khuẩn sản sinh ra độc tố, là chất gây ung thư rất mạnh.
5. Không hút thuốc và hạn chế bia rượu
Chúng ta đều biết rõ trong khói thuốc có chứa nhiều chất gây ung thư hoặc thúc đẩy tế bào ung thư phát triển như benzopyrene, hydrocacbon thơm đa vòng, là một trọng những nguyên nhân gây bệnh ung thư thực quản và ung thư dạ dày.
Tuy không phải là chất gây ra ung thư nhưng cồn trong rượu mạnh sẽ kích thích vào niêm mạc dạ dày, làm tổn thương tổ chức niêm mạc, sẽ thúc đẩy sự hấp thụ của các chất gây ung thư.
Nguy hiểm hơn nếu một người vừa uống rượu, vừa hút thuốc, bởi vì cồn có thể làm tăng tính thẩm thấu của niêm mạc tế bào, từ đó tăng sự hấp thụ các chất gây ung thư trong khói thuốc.
6.Thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh
Bạn nên ăn đúng giờ, đúng lượng. Tránh ăn quá nhiều một thời điểm hay ăn quá nhanh. Vì những hành vi này đều gây kích thích, làm tổn thương đến dạ dày, từ đó có thể gây ung thư dạ dày.
Chúng ta nên tập thói quen ăn chậm nhai kỹ cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho dạ dày cũng như hạn chế thấp nhất tổn thương đến niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên bổ sung nhiều rau củ quả trong thực đơn hàng ngày. Đây lànguồn cung cấp các chất xơ và vitamin hết sức dồi dào nhằm giúp phòng tránh ung thư dạ dày.
* Theo Mayo Clinic