5 triệu phụ nữ tàn tật vì biến chứng phá thai không an toàn mỗi năm

Ng. Hồng |

Đây là thông tin được ông Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em, Bộ Y tế cho biết tại Hội thảo về lợi ích tránh thai, hưởng ứng ngày Tránh thai thế giới (26/9) do Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có sự đồng hành của công ty TNHH Bayer phối hợp tổ chức.

Theo đó, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó có 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai, 20-22 triệu ca phá thai không an toàn, khiến 5 triệu phụ nữ tàn tật mỗi năm do các biến chứng gây ra.

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức, và chưa thể thống kê được số ca phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân.

Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai dưới 7 tuần tuổi chiếm gần 80%.

Nguyên nhân chính mang thai ngoài ý muốn được chỉ ra là do không sử dụng các biện pháp tránh thai (khoảng 56%), nhiều người không được tiếp cận với các dịch vụ cung cấp biện pháp tránh thai, sử dụng các biện pháp tránh thai sai cách hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả (gần 40%) …

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, hiện nay có nhiều biện pháp tránh thai như đặt vòng, dùng viên uống tránh thai, dùng bao cao su, tính vòng kinh/xuất tinh ngoài và triệt sản nam–nữ…

Tuy nhiên, tùy vào cơ địa mỗi người mà có thể áp dụng biện pháp tránh thai khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Không có biện pháp tránh thai nào là tốt nhất cho tất cả mọi người mà cần tư vấn tránh thai để giúp lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.

photo-2

Quang cảnh Hội thảo về lợi ích tránh thai hưởng ứng ngày tránh thai thế giới 26/9

Riêng đối với biện pháp sử dụng tránh thai hiện đại là dùng viên uống tránh thai, hiện nay, giới trẻ có xu hướng lạm dụng viên uống khẩn cấp, thay vì khuyến cáo của các nhà sản xuất là không sử dụng quá 2 viên/tháng thì nhiều người sử dụng thường xuyên sau mỗi lần quan hệ, gây nguy hiểm cho sức khỏe phụ nữ.

Cũng theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì đã tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác DS - KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/ năm góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng đại diện tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam, với hơn 25 triệu phụ nữ Việt Nam đang trong độ tuổi sinh sản hiện nay, trang bị kiến thức chính xác thông qua giáo dục, cung cấp thông tin và các dịch vụ tránh thai để vị thành niên và thanh niên tự bảo vệ mình trước việc mang thai và sinh con ngoài ý muốn cần được đặt thành ưu tiên hàng đầu.

Khi phụ nữ và các trẻ em gái được tiếp cận với các biện pháp tránh thai một cách toàn diện, số bé gái bỏ học hay bị lỡ mất cơ hội học tập và phát triển vì mang thai ngoài ý muốn và số ca tử vong mẹ sẽ giảm đi đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc tăng thêm nguồn lực lao động cho quốc gia.

Theo đó, chủ đề của ngày tránh thai thế giới năm nay là " Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta" với các thông điệp như:

Phá thai không phải là biện pháp tránh thai; Hãy chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn; Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp là bảo vệ sức khỏe sinh sản; Không có biện pháp tránh thai nào là tốt nhất cho tất cả mọi người mà cần tư vấn tránh thai để giúp bạn lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại