4 nguyên tắc "làm bạn" với ung thư của vị giáo sư ĐH Y nổi tiếng

Vân Hồng |

Từ chỗ chỉ có 5% cơ hội sống, ông Han Wan Cheong đã chiến thắng ung thư suốt 16 năm qua. Ngoài bí quyết về chế độ ăn, ông còn thực hiện triệt để 4 nguyên tắc tâm lý để chữa bệnh.

LTS: Ở bài trước, chúng ta đã được đọc những lời tự sự rất chân thực của vị GS, nguyên hiệu trưởng ĐH Y, ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) - ông Han Wan Cheong về CHẾ ĐỘ ĂN giúp chữa ung thư. Ở bài này, chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn 4 NGUYÊN TẮC TÂM LÝ của ông.

Ông Han quan niệm, ung thư giống như một vị khách không mời bỗng nhiên gõ cửa viếng thăm nhà bạn. Làm sao để có thể sống chung với "người bạn" này, có cách nào để tiễn bạn ấy ra khỏi nhà không? Hãy tiếp tục nghe ông chia sẻ...

1. Hiểu rõ bệnh của mình càng nhiều càng tốt

Trước đây tôi có một người bạn thân, anh ta rất đặc biệt và khác hẳn những người bạn cùng trang lứa khác của tôi.

Anh ta không phải là một mẫu người hào hoa điển trai, cũng chẳng phải giỏi giang trong việc tán tỉnh các cô gái, nhưng cứ sau mỗi lần chia tay cô này, rất nhanh sau đó có cô khác đến bên cạnh.

Tôi rất tò mò và có lần đã hẹn gặp để hỏi anh ta bí quyết gì mà "siêu phàm" như vậy?

Anh bạn tiết lộ: Trước khi hẹn gặp với bất kỳ cô gái nào, anh đều chuẩn bị mọi thứ kỹ càng. Đầu tiên sẽ lên kịch bản nội dung chi tiết cho việc hẹn hò, rồi lại định trước ngày tháng gặp gỡ, tiếp đó là hẹn ngày sẽ cùng với cô ấy đi đâu chơi…

Câu chuyện trên đây hàm chứa một kinh nghiệm quý báu: Hãy luôn nghĩ trước việc bạn sẽ làm gì, cần phải đi đâu, từ đó bạn bắt tay vào làm sẽ không bao giờ bị lạ lẫm hay mắc nhiều sai lầm.

Có vẻ hơi buồn cười khi so sánh việc chữa bệnh của tôi (mà lại là bệnh nan y!) với việc "tán gái" của anh bạn kia. Nhưng kể từ khi bị ung thư, tôi luôn nghĩ đến kinh nghiệm của cậu ấy.

Điều đó nghĩa là, tôi cần phải hiểu biết thật rõ về bệnh ung thư của mình, cách điều trị ra sao và mình phải đối mặt với tình huống bất ngờ, khó khăn thế nào, từ đó có thể tìm thấy phương pháp điều trị tương ứng.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều khi bạn cũng không biết ứng xử với tình trạng bệnh của mình như thế nào, bởi cách biểu hiện bệnh mỗi người mỗi khác.

Hãy tìm đọc những ví dụ về các triệu chứng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp bạn hiểu hơn về sự đa dạng khó đoán của căn bệnh nguy hiểm này.

Bạn hãy đọc sách để biết rõ kiến thức về ung thư, sau đó tư vấn thêm ý kiến bác sĩ để quyết định về tình trạng bệnh cụ thể của bạn.

Khi đối mặt với tình trạng bệnh, bạn sẽ vô cùng khó khăn và hoảng loạn. Lúc đó, hãy nghĩ đến "sức mạnh của kiến thức" bởi có dựa vào kiến thức khoa học mới có sức mạnh chiến đấu với bệnh tật.

4 nguyên tắc làm bạn với ung thư của vị giáo sư ĐH Y nổi tiếng - Ảnh 1.

Cuốn sách "Đừng đối đầu với ung thư, hãy làm bạn với nó" của ông Han Wan Cheong

2. Đừng hoảng loạn và luôn bình tĩnh

Nếu nhận kết quả xét nghiệm là ung thư mà bi quan nghĩ rằng vô phương cứu chữa thì tâm trạng của bạn sẽ hoảng loạn, tim đập nhanh và gây ra các triệu chứng khác khiến sức khỏe giảm xuống, bệnh tật lại tấn công nhiều hơn.

"Mọi xét nghiệm đều có thể bị đánh lừa" là suy nghĩ xuất hiện sau khi tôi biết mình mang bệnh. Tôi cũng nghĩ, gọi là AQ cũng được, rằng tất cả máy móc đều có thể phát sinh lỗi ở một lúc nào đó, hoặc có thể có những sai số ở những lần khám khác nhau. Và có thể nó sai ở trường hợp của tôi?

Tất nhiên, khi biết bị ung thư, bạn sẽ khó mà bình tĩnh ngay được. Nhưng kinh nghiệm trải qua bệnh tật của tôi cho thấy bạn nên tự đặt câu hỏi: Đằng nào cũng đã đến bước đường cùng rồi, sao mình phải nóng vội làm gì nữa?

Để có thể vượt qua giai đoạn quan trọng này, việc điều hòa nhịp thở là vô cùng quan trọng, không để tâm trạng bị lay động sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tôi luôn nghĩ đến việc làm sao để có sự bình tĩnh, sáng suốt, hành động và quyết định đúng đắn nhất có thể trong cách điều trị bệnh.

3. Không có phép màu, hãy luôn cố gắng

Cuộc sống thường được so sánh với những cuộc chạy đua, khi bạn bị ung thư thì lại càng phải chạy đua thật nhanh để chiến thắng nó.

Do đó, đừng bao giờ tin vào sự may mắn, thần tiên xuất hiện cứu giúp, nếu bản thân mình không cố gắng. Căn bệnh ung thư mà bạn đang sống chung là chuyện không hay mà bạn phải biết chấp nhận.

Tay đua xe đạp Lance Armstrong đã từng bị ung thư tuyến tiền liệt, anh đã chiến thắng bệnh tật và giành thêm chức vô địch của cuộc đua xe đạp nổi tiếng thế giới "Tour de France".

Anh từng nói: "Tôi không bao giờ muốn biến thành anh hùng hay coi đây là phép lạ, tôi đã men theo sườn núi và cố gắng chinh phục một cách từ từ, vượt qua mọi đau đớn để về đích với 100% nỗ lực".

4. Hãy coi ung thư như một "người bạn"

Tại sao người ta sợ ung thư?

Tưởng như câu hỏi đã có đáp án rất rõ ràng: Người ta sợ ung thư vì nó thường dẫn đến cái chết nhanh chóng sau khi phát bệnh.

Khi đứng trước cái chết, chúng ta đều sợ hãi, khó chấp nhận khi phải đối mặt, hoặc theo bản năng sẽ rất nao núng. Nhưng đó lại chính là điều mà căn bệnh quái ác "muốn" đẩy chúng ta vào.

Bạn thử tưởng tượng xem, ngoài cuộc sống, nếu có một kẻ chơi xấu hoặc đe dọa chúng ta, thì điều kẻ đó muốn đạt được là gì? Là muốn ta giận dữ hoặc sợ hãi.

Nhưng nếu ta, hành xử "trên cơ" và nói với kẻ đó: "Đừng tưởng bở, tôi không mắc mưu đâu, tôi không giận, không sợ, tôi coi anh là bạn". Tùy vào quan niệm của bạn thân, bạn hãy thử tưởng tượng ra kết quả sau đó...

Để có thể "làm bạn" với ung thư, cách tốt nhất là lạc quan tin rằng ung thư đến thì ung thư sẽ đi.

Khi nghĩ như vậy, tinh thần mình sẽ yên tâm hơn, nhịp tim đập ổn định hơn, không còn quá nhiều hồi hộp lo lắng, tạo kẽ hở cho ung thư phát triển.

Tôi tự động viên mình là hãy tin vào những điều tốt đẹp, và không ngừng cố gắng, kiên trì các biện pháp chữa bệnh mà mình tin tưởng, và điều tốt đẹp đã đến.

Cuối cùng, tôi đã nở nụ cười chiến thắng và không bao giờ đánh mất niềm hy vọng.

4 nguyên tắc làm bạn với ung thư của vị giáo sư ĐH Y nổi tiếng - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại