Căn bệnh này gây ra xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong.
Các bệnh lý về mạch máu có những dấu hiệu rất dễ nhận biết nhưng hay bị chúng ta bỏ qua. Khi bệnh không được điều trị kịp thời thường biến chứng rất nguy hiểm.
Bệnh lý mạch vành
Bệnh lý động mạch vành là bệnh lý phổ biến. Nguyên nhân thường gặp nhất là do xơ vữa động mạch vành. Bệnh có nhiều tác hại và biến chứng nặng nề từ cơn đau thắt ngực đến nhồi máu cơ tim, suy tim và đột tử do tim.
Biểu hiện của bệnh đôi khi đơn thuần chỉ là cảm giác nặng, tê, đau lói ở ngực, hoặc đau thắt ở ngực không giảm bớt khi nghỉ ngơi và nguy hiểm hơn là hoàn toàn không có biểu hiện gì.
Có thể chia bệnh động mạch vành ra làm hai loại là bệnh mạch vành mạn tính và hội chứng mạch vành cấp. Người ta phân chia mức độ nặng của cơn đau thắt ngực từ I tới IV. Ở độ I, bệnh nhân chỉ đau ngực khi hoạt động gắng sức mạnh như leo cầu thang cao, leo dốc, mang vác nặng.
Độ II là cơn đau xuất hiện với mức gắng sức trung bình, độ III bệnh nhân có cơn đau khi gắng sức nhẹ (khi làm vệ sinh cá nhân, đánh răng là cơn đau cũng xuất hiện). Ở mức độ nặng nhất, ngay cả khi người bệnh nằm nghỉ, không hoạt động cũng có thể có cơn đau.
Cơn đau thắt ngực điển hình của người bị bệnh động mạch vành mạn tính thường lan về phía cánh tay trái và lan lên cằm.
50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim bị đột tử trước khi đến bệnh viện
Nguy hiểm và khó lường trước hơn cả là hội chứng động mạch vành cấp. Người bệnh có thể sẽ thấy xuất hiện những cơn đau ngực với mức độ đau thay đổi về tần suất và cường độ, mà thuật ngữ y khoa gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định.
Nặng hơn, trong hội chứng động mạch vành cấp, bệnh nhân có thể bị nhồi máu cơ tim cấp. Có tới gần 50% số bệnh nhân nhồi máu cơ tim bị đột tử trước khi đến bệnh viện, nguyên nhân thường do rối loạn nhịp thất. Có nhiều bệnh nhân ở dạng này lên cơn đau tim và tử vong bất ngờ ngay khi đang chơi tennis, bóng đá...
Những bệnh lý mạch vành hoàn toàn có thể được nhận biết để điều trị sớm. Bệnh nhân bị bệnh mạch vành đa số nằm trong nhóm có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, hoặc tiền sử gia đình có người bị bệnh mạch vành…
Để phát hiện bệnh lý mạch vành sớm những người trên 40 tuổi có các yếu tố nguy cơ như trên nên đi kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định cho làm xét nghiệm sinh hóa, chụp X-quang tim phổi, đo điện tâm đồ lúc nghỉ, siêu âm tim, các trắc nghiệm gắng sức để phát hiện bệnh sớm và tư vấn cho bệnh nhân chế độ sinh hoạt, điều trị phù hợp.
Bệnh nhân bị bệnh lý mạch vành trung bình ở độ tuổi trên 60. Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.
Ở nhóm bệnh nhân trẻ dưới 45 tuổi, các bác sĩ ghi nhận phần lớn họ đều hút thuốc lá nhiều. Ngoài ra, chế độ sống, sinh hoạt không điều độ, quá căng thẳng cũng có thể có liên quan đến bệnh mạch vành.
Suy, giãn tĩnh mạch chi
Kể tới bệnh lý về mạch máu không thể bỏ qua bệnh mạch máu chi. Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi là một trong những bệnh ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các nước phát triển. Điển hình là tại Hoa Kỳ, có khoảng 10 - 35% dân số mắc bệnh suy tĩnh mạch mạn tính ở các mức độ khác nhau.
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch suy yếu và giãn to làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tĩnh mạch, làm cho vai trò và chức năng của tĩnh mạch không được đảm bảo, máu sẽ chảy trái chiều thông thường, tức là từ tim về chân.
Do đó, làm giảm chất lượng cuộc sống và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bất kỳ tĩnh mạch nào cũng có thể bị giãn, nhưng hay gặp nhất là tĩnh mạch ở cẳng chân và bàn chân. Bệnh nhân mắc bệnh mạch máu chi không điều trị kịp thời sẽ bị biến chứng làm da lở loét, tạo ra các huyết khối tĩnh mạch dẫn tới tử vong.
Các đối tượng thường bị bệnh mạch máu chi hay gặp ở phụ nữ, chủ yếu là người lớn tuổi, những người phải đứng, ngồi lâu như thợ dệt, thợ may, giáo viên, phụ nữ dùng thuốc ngừa thai và gặp cả ở đối tượng bị căng thẳng quá độ.
Bệnh mạch máu chi được chia ra thành suy tĩnh mạch mãn và giãn tĩnh mạch chi. Bệnh chia thành sáu cấp độ. Ở độ I - II biểu hiện của bệnh kín đáo, đôi khi đứng lâu người bệnh chỉ hơi bồn chồn chân.
Ở độ III - IV, biểu hiện bệnh cũng tăng theo bằng các triệu chứng phù chân, tĩnh mạch ngoài nổi rõ. Từ độ IV - VI da bệnh nhân bị đổi màu, lở loét, nặng nhất sẽ tạo ra huyết khối tĩnh mạch gây ứ trệ máu về tim và tử vong.
Bệnh lý mạch máu não
Bộ não là một bộ phận cơ thể quan trọng của con người, con người có thể tồn tại được hay không đều do sự kiểm soát của bộ não. Chính vì thế, những tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tới bộ não đều không được phép. Tuy nhiên, có một căn bệnh của não rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của con người.
Đó chính la bệnh mạch máu não. Hệ thống mạch máu não này phải cung cấp từ 20 - 25% lượng máu toàn cơ thể nhằm đáp ứng nhu cầu oxy và dưỡng chất cần thiết cho não. Mạch máu não rất nhỏ và là mạch máu tận cùng nên rất dễ bị tổn thương.
Cácbệnh mạch máu não có những dấu hiệu rất dễ nhận biết nhưng hay bị chúng ta bỏ qua. Khi bệnh không được điều trị kịp thời thường biến chứng rất nguy hiểm, đa phần gây ra các ca tai biến hoặc đột tử.
Khi nhận thấy các triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, ù tai, nghe kém, rối loạn cảm giác... có thể báo hiệu bệnh thiếu máu não. Thiếu máu não là tình trạng rất phổ biến, tập trung ở độ tuổi trung niên và ngày càng trẻ hóa. Bệnh lý này nếu không được điều trị sẽ là nguy cơ dẫn đến tai biến của bệnh mạch máu não.
Trong não có rất nhiều mạch máu nhỏ, khả năng chịu áp lực kém. Đặc biệt trên nền một người bị cao huyết áp sẵn, bản thân mạch máu đã bị xơ vữa rất nhiều, khi huyết áp tăng cao, việc xuất huyết là khó tránh khỏi.
Những nguyên nhân dễ làm con người bị xuất huyết não chính là rượu bia, chất kích thích và sự thay đổi thời tiết đột ngột.
Ngoài ra, trong các ca bị xuất huyết não có nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không chịu uống thuốc đều đặn. Khi họ uống thuốc một thời gian, thấy huyết áp trở lại bình thường thì tự ý ngưng thuốc.
Khi thấy người thân có các dấu hiệu của xuất huyết não như: cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân, bỗng dưng không nói được, hoặc nói nhảm, mất thị lực (đặc biệt chỉ xuất hiện triệu chứng ở một bên mắt), đau đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể mất thăng bằng, không thể vận động theo ý muốn hãy đưa tới bệnh viện ngay trong vòng ba giờ đồng hồ. Nếu chậm trễ cấp cứu, bệnh nhân xuất huyết não sẽ phải sống đời tàn phế hoặc tử vong.