Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã ghi nhận 2 vụ ngộ độc rượu. Vụ thứ nhất tại một đám tang ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, có 7 người ngộ độc rượu. Vụ thứ 2 tại xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, có 3 người ngộ độc và 2 người tử vong. Ngành chức năng đã tiến hành điều tra và lấy các mẫu rượu test nhanh, kết quả đều dương tính với Methanol, đặc biệt là tỷ lệ Methanol trong rượu rất cao.
Bác sĩ Mã Nhơn Khiêm, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết: "Trong tháng qua, bệnh viện có gần 10 ca nhập viện điều trị do ngộ độc rượu, những ca điều trị kịp thời sẽ cứu được tính mạng nhưng khi vào viện muộn, bệnh nhân sẽ thường bị biến chứng nguy hiểm hay tử vong, đặc biệt là những ca ngộ độc Methanol . Sau khi uống rượu mà có các biểu hiện bất thường như nôn ói, nhức đầu, mờ mắt… thì nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay".
Hầu hết các cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều sản xuất theo cách truyền thống, sản xuất nhỏ lẻ, các sản phẩm rượu không có nhãn mác nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, ở vùng nông thôn, người dân có tình trạng lạm dụng rượu và sử dụng rượu tự pha chế.
Kiểm tra một cơ sở nấu rượu. Ảnh: CDC Cà Mau
Ông Huỳnh Văn Đen, Chủ tịch Hội tiêu dùng xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho hay: Trên địa bàn xã có trên 60 cơ sở sản xuất rượu truyền thống, qua kiểm tra một số cơ sở thì đảm bảo quy trình sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe thì bà con cũng lưu ý không sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, chỉ sử dụng rượu ở những cơ sở uy tín".
Hiện nay, cồn công nghiệp (Methanol) được bán với giá rất rẻ, do đó không khó để những kẻ xấu sử dụng Methanol pha chế thành rượu thay cho các loại cồn thực phẩm. Ngoài ra, do hạn chế kiến thức, một bộ phận người dân đã tự pha cồn công nghiệp vào rượu để sử dụng. Khi sử dụng rượu có chứa methanol, nhẹ thì để lại biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng sẽ dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Hồng Mùng Hai, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Tân cho biết thêm: "Tại xã Rạch Chèo vừa xảy ra một vụ ngộ độc rượu sau khi ăn nhậu. Bữa nhậu có 4 người thì có 3 người bị ngộ độc và 2 người đã tử vong. Chúng tôi đã lấy mẫu test nhanh đối với rượu còn lại, kết quả dương tính với methanol, đặc biệt là hàm lượng methanol cao gấp hàng trăm lần. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Sở Y tế, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kiểm tra tất cả cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn. Qua thống kê, toàn huyện hiện có 271 cơ sở sản xuất rượu truyền thống".
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, ngành Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng rượu pha cồn công nghiệp, không uống rượu ngâm với các loại lá, cây và động vật không rõ độc tính, không rõ nguồn gốc. Khi xảy ra các dấu hiệu bất thường sau khi uống rượu, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.