Cuối tuần trước, khép lại chuyến thăm các nước Lào, Campuchia, và Brunei, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh đã đạt 4 đồng thuận về Biển Đông với 3 quốc gia ASEAN này. Cụ thể như sau:
1. Tranh chấp trên một số đảo đá, bãi cạn tại Biển Đông không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Các nước có quyền tự chọn giải quyết tranh chấp theo cách của mình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
2. Phản đối tất cả các hành động đơn phương áp đặt một chương trình nghị sự nhất định lên các nước khác
3. Các tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp đến Điều 4, Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông (DoC).
4. Trung Quốc và ASEAN cần chung tay đảm bảo hòa bình và ổn định trên Biển Đông thông qua hợp tác. Các quốc gia bên ngoài khu vực cần đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.
Như chúng tôi đã chỉ ra trong một bài viết trước đó, có thể coi tuyên bố nói trên cũng như toàn bộ chuyến công du Lào-Campuchia-Brunei của ông Vương như một hành động chia rẽ, ngăn không để ASEAN có được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là trước khi phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) về vụ kiện của Philippines được công bố.
Ngoại trưởng Vương Nghị đối thoại cùng người đồng cấp bên phía Lào, Saleumxay Kommasith. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Prasanth Parameswaran trên tạp chí The Diplomat, nếu đọc kĩ từng câu chữ trong 4 điểm đồng thuận trên sẽ thấy nhiều điểm sơ hở.
Trung Quốc trước đây vẫn rêu rao rằng "các bên không liên quan" không được phép can thiệp vào các tranh chấp nội bộ Biển Đông. Nhưng điểm đồng thuận thứ 4 ở trên lại viết: "Các quốc gia bên ngoài khu vực cần đóng vai trò xây dựng trong vấn đề [Biển Đông]".
Như vậy, ông Parameswaran cho rằng Trung Quốc dùng ngôn từ như vậy thì chẳng khác nào "mở đường" cho Mỹ can thiệp trên Biển Đông.
Chưa dừng lại ở đó, ở điểm đồng thuận thứ nhất còn viết, "các nước có quyền tự chọn giải quyết tranh chấp theo cách của mình, tôn trọng luật pháp quốc tế."
Rõ ràng Vương Nghị muốn lái dư luận hiểu câu này theo nghĩa rằng, Bắc Kinh có quyền giải quyết tranh chấp Biển Đông theo cách họ muốn mà không phải tham gia vụ kiện của Philippines lên PCA.
Tuy nhiên, ông Parameswaran chỉ ra rằng, cách dùng từ trong câu này cũng đồng nghĩa với việc Philippines hay bất kì quốc gia ASEAN nào cũng có thể đưa Trung Quốc ra tòa, vì nước nào "cũng có quyền tự chọn giải quyết tranh chấp theo cách của mình".
Theo chuyên gia này, đành rằng để đạt được đồng thuận chung thì một bên phải chỉnh sửa lại chút ít ngôn từ sao cho thuận tai là chuyện bình thường.
Nhưng việc Trung Quốc phải "xuống nước" trong 2 vấn đề khiến nước này đau đầu nhất - can thiệp của Mỹ và sự tham gia của các tòa án quốc tế - đã cho thấy Bắc Kinh thực chất không thể bắt Lào, Campuchia, hay Brunei nói răm rắp theo mình trong vấn đề Biển Đông.
"Nếu nhìn vào ngôn từ của cái gọi là đồng thuận này, thật khó để coi đó là một thắng lợi về mặt ngoại giao cho Trung Quốc, kể cả khi ta có áp đặt tiêu chuẩn của Bắc Kinh" - quan chức một quốc gia ASEAN không kí kết bản đồng thuận 4 điểm nói trên, phát biểu với The Diplomat.
Theo ông Parameswaran, việc chỉ có 3/10 quốc gia thành viên ASEAN chịu kí vào bản đồng thuận 4 điểm của Trung Quốc đã thêm phần minh chứng cho độ "rỗng" (chuyên gia này dùng từ "hollow" - PV) của nó.
Hơn nữa, Lào, Campuchia và Brunei đều không phải các nước thành viên gốc của ASEAN, chỉ chiếm 4% dân số và 4% tổng GDP khu vực.
Lào và Campuchia phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế Trung Quốc, không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, và cũng chẳng có mấy tiếng nói trong vấn đề này, còn Brunei, dù trên lý thuyết có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, song từ lâu Vương quốc Hồi giáo này đã thiên về giải quyết song phương với Trung Quốc.
Do đó, theo ông Parameswaran, việc Bắc Kinh "lôi kéo" 3 nước này ủng hộ quan điểm của mình, cũng như tuyên bố của Vương Nghị, suy cho cùng, cũng chỉ là "thùng rỗng kêu to".
Trong khi đó, những nước tranh chấp chủ quyền chính với Trung Quốc trên Biển Đông là Việt Nam và Philippines, hay những nước phát triển và có tầm ảnh hưởng lớn như Singapore và Indonesia, đều không kí.