Theo đó, sau chuyến thăm tới 3 nước nói trên, Vương Nghị tuyên bố đã đạt được đồng thuận với các nước này rằng, tranh chấp trên một số đảo đá, bãi cạn trên Biển Đông không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, và do đó không ảnh hưởng tới sự phát triển quan hệ giữa Bắc Kinh và ASEAN.
Cụ thể, ông Vương cho biết Trung Quốc cùng Brunei, Lào, và Campuchia đã nhất trí về 4 điểm trong vấn đề Biển Đông, bao gồm:
- Các nước có quyền tự chọn giải quyết tranh chấp theo cách của mình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
- Phản đối tất cả các hành động đơn phương áp đặt một chương trình nghị sự nhất định lên các nước khác
- Các tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp đến Điều 4, Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông (DoC).
- Trung Quốc và ASEAN cần chung tay đảm bảo hòa bình và ổn định trên Biển Đông thông qua hợp tác. Các quốc gia bên ngoài khu vực cần đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.
Như vậy, có thể thấy qua tuyên bố nói trên cũng như chuyến công du 3 nước vừa qua của Vương Nghị rằng, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hành động chia rẽ, ngăn không để ASEAN có được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.
Bắc Kinh phái ông Vương tới Campuchia, Lào, và Brunei, trong bối cảnh phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ kiện do Philippines khởi xướng đã cận kề, hòng lôi kéo sự ủng hộ của 3 thành viên ASEAN nói trên trong vấn đề Biển Đông.
Một điều đáng chú ý khác, theo phân tích của The Diplomat, là trong các cuộc họp bộ trưởng các nước thành viên ASEAN (AMM) dự kiến sẽ diễn ra trong hè năm nay, cả Campuchia, Lào và Brunei đều có Ngoại trưởng mới tham dự.
Không những vậy, nước chủ nhà của AMM năm nay sẽ là Lào, quốc gia không liên quan trực tiếp tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Có thể thấy, chẳng phải ngẫu nhiên khi Trung Quốc cử Ngoại trưởng của họ tới các nước này trước thềm AMM.
Báo chí 3 nước Lào, Campuchia, Brunei đều đã đưa tin về chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, song hiện chưa có thông tin gì từ các nước này liên quan đến 4 điểm đồng thuận mà ông Vương tuyên bố.