NATO giờ mới nghĩ tới đề xuất từng bị "vứt xó" của Nga từ 2008

Ngọc Minh |

Nhiều chi tiết trong hiệp ước chung mà NATO dự định rà soát lại tương tự như những gì mà ông Medvedev, khi đó là Tổng thống Nga, đề xuất từ năm 2008.

Đề xuất từng bị lãng quên của Nga năm 2008

Trong cuộc họp Nga - NATO đầu tiên sau 2 năm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã 2 lần nhắc tới việc dự định xem lại Tài liệu Vienna của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) – hiệp ước thiết lập nguyên tắc cho hệ thống an ninh giữa Nga và châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Ông Stoltenberg không nói rõ những thay đổi cụ thể trong Tài liệu này, song rõ ràng là NATO đã tiến hành soạn thảo một văn bản mới, trong đó thay đổi cấu trúc an ninh châu Âu.

Theo báo Nga Gazeta, trên thực tế, nhiều chi tiết trong tài liệu mà liên minh này dự định thay đổi tương tự như những gì mà ông Dmitry Medvedev, khi đó là Tổng thống Nga, đề xuất từ năm 2008, sau cuộc xung đột quân sự Nga - Gruzia ở Nam Ossetia.

Nhà phân tích Dmitry Polikanov từ tổ chức tư vấn chính sách PIR Center (có trụ sở ở Moscow) cho biết thêm: "Thậm chí khi đó, ông Medvedev đã nói rằng Nga coi việc NATO mở rộng về phía đông là một mối đe dọa tới an ninh của chính họ (NATO).

Tổng thống Nga khi đó đã đề xuất giải quyết tình trạng này thông qua một hiệp ước mới, củng cố hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu và làm rõ một số điều khoản còn mơ hồ".

Năm 2009, đề xuất trên đã được trình lên Tổng thư ký NATO khi đó là Anders Fogh Rasmussen, tuy nhiên, nó vẫn nằm im tại bàn làm việc của ông này, thay vì được đem ra bàn thảo.

Chuyên gia Polikanov đánh giá, Tài liệu Vienna - được ký kết năm 1991 và sửa đổi lần cuối cùng vào năm 2011 - tới này đã lỗi thời.

Ông Robert Pszczel, giám đốc Cục Thông tin NATO ở Nga cũng đồng tình với việc, đây là lúc phải thay đổi hệ thống an ninh châu Âu.


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Nga và NATO không thể khôi phục hệ hợp tác như trước đây, do những khác biệt lớn vẫn còn tồn tại giữa 2 bên.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Nga và NATO không thể khôi phục hệ hợp tác như trước đây, do những khác biệt lớn vẫn còn tồn tại giữa 2 bên.

Dù thế, ông này cho biết, sự hiện diện quân sự ở cả hai phía tại biên giới phía Tây nước Nga đang tăng lên, còn NATO đang đặc biệt quan ngại về các cuộc tập trận quân sự của Nga.

"Theo điều khoản của Tài liệu Vienna, các quốc gia ký kết thỏa thuận tham gia có quyền không thông báo với các đối tác nước ngoài về những cuộc tập trận sắp tới, nếu nó không được lên kế hoạch trước.

Nga gần đây đã tận dụng quyền hợp pháp này để tiến hành các cuộc tập trận quân sự bất ngờ, mà theo số liệu của chúng tôi, lên tới 100.000 người tham dự. Sau khi các cuộc tập trận quy mô lớn này diễn ra, Bộ Quốc phòng Nga thậm chí còn tổ chức họp báo".

Ông Pszczel cho rằng, nếu dự thảo sửa đổi Tài liệu Vienna được thông qua, thì chúng sẽ giúp NATO và các lực lượng vũ trang Liên bang Nga hợp tác minh bạch hơn.

Vì sao NATO "loại" đề xuất của Nga?

Vậy tại sao NATO lại phớt lờ ý tưởng có lợi cho chính mình do Nga đề xuất, ngay cả khi quan hệ giữa 2 bên vẫn còn chưa căng thẳng như hiện nay?.

Ông Pszczel lý giải, đó là vì ý tưởng của Nga quá tham vọng và vì vậy, nó đã bị OSCE bác bỏ. "Đề xuất của Medvedev đòi hỏi từ NATO quá nhiều. Người ta nghi ngờ rằng tài liệu đó có thể sẽ giới hạn hoạt động của liên minh này”.

Đại diện NATO ở Nga
Robert Pszczel
Các cuộc bàn thảo về đề xuất của Medvedev do Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu OSCE tiến hành. Chính tổ chức này, chứ không phải NATO, bác đề xuất của Nga.

Về phần mình, ông Alexander Grushko, đại diện thường trực của Nga ở NATO nhận định, sự kiện này cho thấy, kế hoạch cô lập Nga của phương Tây đã thất bại.

Tuy nhiên, vị quan chức ngoại giao này khẳng định bản thân Nga "hoàn toàn không cảm thấy khó chịu" khi quan hệ hợp tác Nga - NATO bị đình trệ, bởi nước này vẫn hợp tác an ninh với các đối tác phương Tây trên cơ sở song phương.

Trong khi đó, tuyên bố chính thức từ Bộ Ngoại giao Nga chỉ rõ, quốc gia này hi vọng "NATO sẽ có thể tập hợp ý chí chính trị và thể hiện một cách tiếp cận thực sự có trách nhiệm đối với việc thiết lập một cơ chế tương tác với quốc gia chúng tôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại