Nhân tố nhỏ đang phát huy vai trò
Hội nghị thượng đỉnh giữa các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới ở Doha, nhằm tiến tới thoả thuận đóng băng sản lượng dầu, thất bại đã làm dấy lên nhiều lo ngại, kể cả trong nội bộ Nga, về việc giá dầu tiếp tục sụt giảm, trong bối cảnh kinh tế đang trì trệ.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Jerry Byers, điều này dường như lại là một tin tốt đối với nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp dầu mỏ Nga.
Trong khi sản lượng của các công ty dầu mỏ lớn nhất nước Nga như Rosneft hay Lukoil liên tục sụt giảm trong vòng 2 năm qua, thì hàng trăm công ty vừa và nhỏ - hầu hết đều "vô danh” trên thị trường thế giới - lại đẩy mạnh sản xuất.
Bộ Năng lượng Nga từng dự đoán sản lượng dầu mỏ trong năm 2015 sẽ sụt giảm, khi mà các mỏ dầu ở Tây Siberia đã cạn kiệt, tuy nhiên, các số liệu bộ này mới công bố hồi tháng Một năm nay lại cho thấy điều ngược lại.
Phát biểu tại Đại học châu Âu ở St.Peterburg, Giám đốc phụ trách khu vực Nga và SNG của tập đoàn dầu khí Nga BP Vladimir Drebenstsov nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động ngày càng hiệu quả đang là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy sản lượng tăng lên.
Ông này chỉ ra, thoả thuận gần đây về đóng băng sản lượng ở Nga không đề cập tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động độc lập, điều đó cho phép họ tiếp tục tăng cường hoạt động của mình thêm nữa.
Thêm vào đó, kết quả của Hội nghị Doha chỉ củng cố thêm năng lực vốn đang không bị kiềm chế của nhóm các doanh nghiệp này.
Thứ trưởng Năng lượng Nga Kirill Molodtsov dự đoán sản lượng dầu mỏ trong năm 2016 có thể tăng thêm 100.000 thùng/ngày.
Các doanh nghiệp dầu mỏ vừa và nhỏ sẽ là "cứu cánh" cho ngành công nghiệp dầu mỏ vốn đang được đánh giá là "tiến thoái lưỡng nan" ở Nga.
Mỹ làm được, nên Nga cứ lạc quan
Trái với nhiều nhận định bi quan, nhà phân tích Byers lại cho rằng, nhìn chung, đây có thể là một tin tốt với nền kinh tế Nga, bởi nó cho thấy tính bền vững của nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như sự thích ứng khéo léo của các công ty Nga trước sự sụt giảm giá.
Thêm vào đó, các công ty vừa và nhỏ này đang tìm thấy thành công trong việc tiếp cận loại dầu chặt (tight oil - dầu nhẹ trong đá đá phiến sét) tại các mỏ dầu cũ, vốn thường không thu hút sự chú ý của các "ông lớn".
Họ cũng hoàn toàn có quyền lạc quan khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Mỹ.
Ông Byers chỉ ra, dầu chặt ở Mỹ đang thể hiện khả năng thích ứng với tình hình sụt giảm giá dầu, chi phí sản xuất cũng không phải ở mức tốn kém nhất.
Nhà phân tích này dự đoán, nếu tình hình tiếp diễn như hiện nay, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nga sẽ thắng lớn trong việc giành thị phần ở ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn đang ngày càng cạnh tranh.
"Khi mà các doanh nghiệp nhỏ hơn ở Nga ngày càng có kinh nghiệm và có những cải tiến của riêng mình thì cuộc cách mạng dầu mỏ tại quốc gia này sẽ không phải là một tương lai quá xa".
Trong bài phát biểu trong Hội nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga hồi tháng Ba, Tổng thống Putin cũng tập trung đề cập sự cần thiết của việc phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như lĩnh vực dầu mỏ nói chung.
"Nhiệm vụ của chúng ta là duy trì sự ổn định của ngành công nghiệp dầu mỏ Nga, để đảm bảo phát triển ổn định cũng như thực hiện các dự án dài hơi".