Tập Cận Bình muốn "nới lỏng" dư luận, cấp dưới không nghe

Thủy Thu |

Mới đây, kết quả điều tra trên mạng xã hội Trung Quốc đã chứng minh điều ngược lại với mong muốn "đảng viên cần lắng nghe ý dân" của Tập Cận Bình, theo SCMP.

Tại một cuộc gặp các đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây, ông Tập Cận Bình kêu gọi “cán bộ đảng viên nên kiên nhẫn và tích cực tiếp thu những ý kiến mang tính xây dựng của dư luận Trung Quốc”, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 21/4.

Vài tiếng sau khi kết thúc cuộc họp, tài khoản Weibo chính thức của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã đăng tải bài phát biểu của ông Tập.

Theo tìm hiểu của phóng viên SCMP, khi vào phần bình luận thì hệ thống lại thông báo chức năng bình luận đã bị đóng.

Bài đăng trên Weibo của Tân Hoa Xã với 5.000 lượt chia sẻ nhưng chỉ có 16 bình luận, trong đó chỉ có 2 bình luận được duyệt hiển thị, theo SCMP.

Truyền thông quốc tế nhanh chóng xem đây là hành động trái với chỉ đạo của ông Tập.


Ông Tập Cận Bình tại cuộc họp kêu gọi đảng viên cần lắng nghe ý dân hôm 20/4. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Ông Tập Cận Bình tại cuộc họp kêu gọi "đảng viên cần lắng nghe ý dân" hôm 20/4. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Có phân tích cho hay, có thể do nhà chức trách Trung Quốc quan ngại cư dân mạng nước này sẽ lạm dụng Internet để đăng gửi ý kiến phê bình tiêu cực khiến chính phủ khó kiểm soát tình hình.

Một bình luận khác lại cho rằng, cũng có thể tầng lớp quan chức nước này chưa đặt hoàn toàn lòng tin vào dư luận nên mới xảy ra tình trạng trên.

Học giả nổi tiếng Trung Quốc Tiêu Công Tần nhận định, kết quả này đi ngược lại với điều ông Tập đề xướng.

Đặc biệt, khi mà những chính sách cải cách của chủ tịch Trung Quốc hướng đến mục đích "gần dân" thì thái độ bất mãn của một số quan chức nước này tất sẽ tạo lực cản cho con đường hiện đại hóa.

Điều này chứng tỏ, con đường ông Tập cần đi còn rất dài bởi lối mòn tư tưởng tiêu cực của các quan chức Trung Quốc không phải một sớm một chiều có thể thay đổi.

Từ khi Tập Cận Bình lên giữ cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc đến nay, Trung Quốc có nhiều hơn các chính sách kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng Internet.

Nhiều chỉ trích từ quốc tế cho rằng Bắc Kinh đang gây khó khăn cho giới doanh nghiệp bằng sự kiểm soát này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại