2 giáo sư chứng minh tác hại của "cơm chan canh": Ngon một miếng, hại dài lâu!

Trần Quỳnh |

Thói quen ăn cơm chan canh giúp ăn nhanh hơn, lại hợp khẩu vị của rất nhiều người. Nhưng chuyên gia khẳng định, ăn như vậy trong thời gian dài có thể gây nhiều hệ lụy với sức khỏe.

Lý giải về cơ chế gây hại của "cơm chan canh"

Giáo sư Đường Đại Hàn, khoa Dinh dưỡng thuộc Bệnh viện Tương Nhã II - Đại học Trung Nam (Hồ Nam, Trung Quốc), cho rằng: Cơm chan canh là cách ăn uống sai lầm và gây bất lợi cho dạ dày, đặc biệt với người cao tuổi và trẻ em.

Giải thích về cơ sở khoa học của nhận định này, giáo sư Đường chia sẻ rất cặn kẽ.

Theo đó, miệng là bộ phận "tiếp nhận" thức ăn chủ yếu trên cơ thể con người. Quá trình tiêu hóa – hấp thu được bắt đầu bằng việc nhai thức ăn ở khoang miệng.

Cơ thể con người tận dụng sức nhai và khả năng tiết nước bọt của công cụ tiêu hóa đầu tiên này, đem thức ăn nghiền nhỏ để thuận lợi cho việc nuốt trôi.

2 giáo sư chứng minh tác hại của cơm chan canh: Ngon một miếng, hại dài lâu! - Ảnh 1.

Đến từ Bệnh viện Tương Nhã II, Giáo sư Đường Đại Hàn khẳng định "cơm chan canh" là cách ăn sai lầm và gây nhiều tác hại khôn lường đối với cơ thể. (Ảnh: Nguồn Internet).

Điều quan trọng nằm ở chỗ, trong quá trình nhai, nước bọt ở khoang miệng tiết ra liên tục. Thời gian nhai thức ăn càng lâu, nước bọt tiết càng nhiều.

Nước bọt sẽ biến thức ăn thành dạng "ướt". Đồng thời cũng nhào trộn thức ăn với nhiều chất men tiêu hóa, từ đó xúc tiến quá trình tiêu hóa – hấp thu.

Nếu ở bước đầu tiên, thức ăn được nhai và trộn kỹ với nước bọt, các công đoạn sau đó sẽ diễn ra trơn tru, thuận lợi, gánh nặng lên dạ dày cũng được giảm bớt.

Tuy nhiên, việc ăn cơm chan canh sẽ khiến lượng cơm tiến vào miệng trong tình trạng tương đối nhiều nước. Điều này khiến cơm sẽ trở nên mềm, xốp và dễ dàng nuốt xuống.

Do đó, những người ăn cơm chan canh đều có thói quen nhai ít, giảm bớt thời gian nhai cơm.

Bởi không trải qua quá trình nhai và nhào trộn kỹ trong khoang miệng mà đã tiến thẳng xuống dạ dày, cơm, thức ăn và nước canh sẽ làm tăng gánh nặng đối với cơ quan này.

Giáo sư Đường cũng nhấn mạnh, nếu duy trì cách ăn này thường xuyên trong thời gian lâu dài, nguy cơ mắc bệnh về dạ dày là tương đối cao.

Những tác hại với sức khỏe

Giáo sư Phạm Trúc Bình, Bệnh viện Nhân Tế (Thượng Hải, Trung Quốc), đồng quan điểm với giáo sư Đường Đại Hàn. Bác sĩ Phạm chia sẻ, thói quen ăn cơm chan canh về lâu dài có thể gây hại dạ dày.

Bên cạnh đó, cách ăn cơm này còn đặc biệt gây ra nhiều nguy hại cho những đối tượng dưới đây.

2 giáo sư chứng minh tác hại của cơm chan canh: Ngon một miếng, hại dài lâu! - Ảnh 2.

Chuyên gia tiêu hóa tại Bệnh viện Nhân Tế là GS.Phạm Trúc Bình cũng cho rằng thường xuyên ăn cơm chan canh có thể khiến dạ dày bị tổn thương. (Ảnh: Nguồn Internet).

* Với trẻ em

Thứ nhất, ăn cơm chan canh sẽ khiến nhiều nước canh tiến nhập vào dạ dày, làm loãng acid dạ dày, ảnh hưởng tới chất lượng của quá trình tiêu hóa – hấp thu.

Vì vậy, cách ăn này sẽ khiến trẻ em không hấp thụ được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết và gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ.

Thứ hai, trẻ em là đối tượng sở hữu khả năng nhai không quá mạnh. Nếu duy trì ăn cơm chan canh trong thời gian dài, trẻ sẽ hình thành thói quen nuốt nhanh, nuốt vội, khiến cơm và nước canh có nguy cơ tràn vào khí quản ồ ạt và gây nguy hiểm.

Thứ ba, ăn cơm chan canh khiến cơ nhai của trẻ trở nên "lười biếng". Việc duy trì cách ăn này trong thời gian dài có thể khiến cơ nhai biến dạng, nếu nghiêm trọng sẽ gây dị hình, dị tật ở mặt.

Thứ tư, thưởng thức bữa ăn một cách lịch sự đòi hỏi chúng ta phải ăn chậm, nhai kỹ. Trong khi đó, thường xuyên ăn cơm chan canh lại khiến trẻ em hình thành thói quen ăn uống vội vàng, hấp tấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ dinh dưỡng mà còn tác động tới thái độ sống và văn hóa ứng xử của trẻ.

* Với người cao tuổi

Đối với người tuổi tác đã cao, cơ năng của nhiều cơ quan trong cơ thể đã bị lão hóa, chức năng tiêu hóa – hấp thu cũng ngày một suy giảm.

Việc thường xuyên ăn cơm chan canh có thể khiến người cao tuổi gặp phải các bệnh về đường ruột.

* Người bị bệnh gout và bệnh tim mạch

Các chuyên gia ở Bệnh viện Triều Dương (Bắc Kinh) cho rằng, những người mắc gout và có tiền sử về các bệnh tim mạch cần hạn chế ăn cơm chan canh.

Nguyên nhân là bởi nước canh thường chứa nhiều purine, thậm chí có nhiều loại nước dùng còn chứa hàm lượng cao muối và chất béo, gây ra những tác động không tốt đối với tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Những kiểu ăn canh sai cách, người Việt cũng mắc rất nhiều

2 giáo sư chứng minh tác hại của cơm chan canh: Ngon một miếng, hại dài lâu! - Ảnh 3.

* Thứ nhất, nghĩ rằng uống nước canh là đủ dinh dưỡng.

Các nhà khoa học đã từng thử nghiệm ninh canh trong vòng 6 tiếng đồng hồ với các nguyên liệu giàu protein như cá, gà và thịt bò.

Tuy nhiên, ngay cả khi hương vị của canh đã rất đậm đà, thì vẫn chỉ có 6 – 15% protein hòa vào trong thành phần nước, còn 85% còn lại vẫn ở trong phần cái.

Nói cách khác, dù bạn ninh nấu các nguyên liệu trong thời gian bao nhiêu, các chất dinh dưỡng trong đó vẫn không thể chuyển đổi hoàn toàn sang dạng lỏng. Do đó, khi ăn canh, bạn nên ăn cả phần cái để hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng.

* Thứ hai, thường xuyên uống canh ngay khi còn quá nóng.

Nhiều người nghĩ rằng, ăn canh lúc còn nóng vừa thưởng thức được trọn vẹn hương vị thơm ngon vừa giúp "ấm bụng".

Nhưng trên thực tế, niêm mạc bên trong miệng, thực quản và dạ dày chỉ có thể chịu được nhiệt độ không quá 60 độ. Những thức ăn, đồ uống vượt quá mức nhiệt an toàn này có thể gây bỏng. Bởi vậy, các chuyên gia sức khỏe kiến nghị mọi người nên ăn canh có độ nóng không vượt quá 50 độ C là tốt nhất.

* Thứ ba, sau khi ăn cơm xong mới uống canh.

Không ít người thường có thói quen ăn cơm xong xuôi mới uống một vài ngụm canh để "tráng miệng". Tuy nhiên, uống canh vào lúc này sẽ làm loãng các chất dịch hỗ trợ tiêu hóa, làm ảnh hưởng tới chất lượng của quá trình tiêu hóa – hấp thu.

* Thứ tư, không thường xuyên đổi món canh.

Mỗi loại thực phẩm đều có thế mạnh nổi trội, nhưng song song với đó cũng là những khiếm khuyết về mặt dinh dưỡng. Thậm chí, một nồi canh ninh nấu từ nhiều nguyên liệu bổ dưỡng vẫn có thể thiếu một vài acid amin, khoáng chất và vitamin thiết yếu.

Xuất phát từ thực tế này, các chuyên gia dinh dưỡng kiến nghị mọi người nên thường xuyên thay đổi nguyên liệu cho món canh. Để có được một nồi canh toàn diện về dinh dưỡng, bạn nên kết hợp hài hòa giữa các thành phần thực vật và động vật.

Thứ năm, canh càng ninh, nấu lâu càng dễ gây hại.

Trải qua quá trình đun nấu lâu dài, rất nhiều chất dinh dưỡng trong các thành phần nguyên liệu nấu canh có nguy cơ bị biến chất.

Trên thực tế, thời gian ninh, nấu càng dài, nguy cơ protein biến tính gây hại cho cơ thể càng cao, lượng vitamin bổ dưỡng cũng có thể bị mất tác dụng.

Bởi vậy, các món canh chỉ cần chế biến và đun nấu trong vòng không quá 2 giờ là hợp lý.

Chế biến và thưởng thức món canh đúng cách

2 giáo sư chứng minh tác hại của cơm chan canh: Ngon một miếng, hại dài lâu! - Ảnh 4.

* Nấu canh đúng cách

Một món canh bổ dưỡng và an toàn phải là sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu thực vật và động vật. Bạn cần chú ý thời gian nấu không vượt quá 2 tiếng để đảm bảo yếu tố dinh dưỡng cho món canh.

Bạn cũng không nên lặp đi lặp lại một món canh trong khoảng thời gian quá ngắn mà cần thay đổi liên tục để đảm bảo bữa ăn càng trở nên phong phú, thơm ngon.

* Ăn canh đúng kiểu

Trước khi ăn cơm, bạn nên uống vài ngụm nước canh để nhuận miệng, làm trơn thực quản, giảm bớt tác động của những món ăn khô, cứng lên lớp mô niêm mạc của các cơ quan tiêu hóa. Uống canh trước bữa ăn có tác dụng xúc tiến bài tiết nước bọt.

Phần cái của món canh có thể ăn kết hợp với cơm trong bữa ăn. Cần hạn chế ăn cơm chan canh, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, người bị gout, bệnh nhân có tiền sử mắc tim mạch hoặc các bệnh về đường tiêu hóa.

Theo Sina/Ys137/V4.cc/Kknews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại