2 dự án BOT bị “sờ gáy”, Chủ tịch CII mất bao nhiêu tiền?

Ngân Giang |

Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội, vốn đầu tư là 4.905 tỷ đồng và đang trong quá trình xây dựng. Việc thu phí dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2018 theo hợp đồng BOT trong 11 năm. Sai sót trong phê duyệt 1.410 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư.

Thông tin xuất hiện đầu tuần vừa qua về việc Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện 6 dự án BOT tại Tp.HCM, trong đó, có 2 dự án của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) đã khiến cổ phiếu CII giảm nhẹ.

Cụ thể, trong tuần từ 21-25/08, cổ phiếu CII giảm 600 đồng (2%) về mức giá 34.500 đồng/cổ phiếu. Theo công bố của CII, Chủ tịch HĐQT CII Lê Vũ Hoàng hiện chỉ trực tiếp sở hữu 1.043.186 cổ phiếu (0,42%).

Tuy nhiên, ông Hoàng gián tiếp sở hữu 10 triệu cổ phiếu CII (4,06%) thông qua CTCP Đầu tư Tân Tam Mã. Như vậy, trong tuần qua tổng giá trị tài sản của Chủ tịch Lê Vũ Hoàng tại CII đã giảm nhẹ 6,6 tỷ đồng.

Có thể nói đây là mức giảm “không đáng kể” so với mức độ nóng hổi xung quanh câu chuyện BOT trong những ngày gần đây. Với CII, TTCP kết luận sai phạm tại hai dự án gồm:

Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội, vốn đầu tư là 4.905 tỷ đồng và đang trong quá trình xây dựng. Việc thu phí dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2018 theo hợp đồng BOT trong 11 năm. Sai sót trong phê duyệt 1.410 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư;

Dự án cầu Bình Triệu 2, vốn đầu tư là 230,66 tỷ đồng và đã đi vào hoạt động từ năm 2010 theo hợp đồng BOT kỳ hạn 5 năm. Kết quả thanh tra cho thấy 50 tỷ đồng ứng trước vốn ngoài hợp đồng và 13,7 tỷ đồng thu phí vượt kế hoạch tài chính.

2 dự án BOT bị “sờ gáy”, Chủ tịch CII mất bao nhiêu tiền? - Ảnh 1.

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội do CII làm chủ đầu tư. Ảnh: CII.

Bốn dự án khác thuộc diện thanh tra không liên quan đến CII gồm dự án cầu Phú Mỹ, dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc và Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.

Theo Thanh tra chính phủ, tổng số tiền sai phạm liên quan đến 6 dự án này là 2.172 tỷ đồng. Mặc dù vậy, trên thực tế chỉ 43 tỷ đồng được yêu cầu hoàn trả vào ngân sách nhà nước. Phần còn lại đơn giản là liên quan đến thủ tục phê duyệt chưa đúng và hiện đã được sửa lại theo quy định.

Theo khẳng định của lãnh đạo CII, công ty sẽ chỉ phải hoàn trả 13,7 tỷ đồng thu phí vượt kế hoạch như đề cập trên đây. Số tiền còn lại là liên quan đến sai sót về thủ tục và hành chính và hiện đã được điều chỉnh. Đó có thể là lý do khiến nhà đầu tư không quá hoang mang bán tháo cổ phiếu, nên cổ phiếu CII chỉ giảm ở mức “chấp nhận được”.

Liên quan đến sai phạm của công ty CII tại Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội, ngày 24/08 CII đã có văn bản giải trình đến các cổ đông. Theo đó, trên cơ sở chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự án này được bổ sung 1.410 tỷ đồng chi phí GPMB trên địa bàn tỉnh Bình Dương thuộc phạm vi dự án.

Theo cách hiểu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và công ty CII, thẩm quyền phê duyệt tăng tổng mức đầu tư của dự án số tiền GPMB như trên thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Do vậy, CII đã phê duyệt bổ sung số tiền này vào tổng mức đầu tư của dự án.

Tuy nhiên, theo quan điểm của TTCP, thẩm quyền phê duyệt tăng tổng mức đầu tư thuộc UBND TP. HCM. Theo CII, thực hiện ý kiến của TTCP, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án, trong đó có nội dung bổ sung chi phí GPMB trên địa bàn tỉnh Bình Dương với số tiền 1.410 tỷ đồng.

“Công ty CII kính báo để quý cổ đông được rõ và đảm bảo rằng CII hoàn toàn không bị truy thu số tiền 1.410 tỷ đồng như tin đồn hiện nay trên thị trường.”, văn bản giải trình của CII do TGĐ Lê Quốc Bình ký nêu rõ.

Theo đó, vấn đề đã được giải quyết theo cách CII sẽ phải hoàn trả phần thu phí vượt mức từ dự án Cầu Bình Triệu 2. Về dự án này, UBND T.PHCM ban đầu đã giao cho Cienco 5 thực hiện xây dựng dự án này.

Tuy nhiên, sau quá trình xây dựng, chính quyền TP.HCM đã chấm dứt hợp đồng với Cienco 5. CII sau đó tiếp nhận dự án và tạm ứng tiền cho chính quyền thành phố để hoàn trả chi phí đầu tư ban đầu cho Cienco 5.

CII sau đó được phép tiền hành thu phí và thu hồi phần vốn tạm ứng, do đó CII không phải hoàn trả số tiền 50 tỷ đồng cho dự án cầu Bình Triệu 2 vì công ty đã tạm ứng số tiền này cho chính quyền TP.HCM để trả lại cho Cienco 5. Tuy nhiên, CII phải hoàn trả 13,7 tỷ đồng cho nhà nước liên quan đến hoạt động thu phí.

Trong lĩnh vực cầu đường, CII đang triển khai những dự án lớn tại khu vực TP. HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm xung quanh như dự án Xa lộ Hà Nội mở rộng; dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong tương lai công ty dự kiến đầu tư vào các dự án lớn với tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, như dự án đường trên cao số 1 nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại