Mất ngủ là một trong những nỗi khổ sở của rất nhiều người. Vậy phải làm thế nào để thoát khỏi tình trạng mất ngủ, khó ngủ về đêm?
Kỳ thực đông y cho rằng chữa chứng mất ngủ rất đơn giản, ngoài cách uống thuốc an thần ra, có thể kiên trì chữa trị theo hai phương pháp sau: thường xuyên tập luyện "đạp chân" và thường xuyên xoa bóp bấm huyệt.
Thường xuyên "đạp chân" có tác dụng rất tốt đối với giấc ngủ
Theo giải thích của đông y: các loại bệnh từ hàn khí mà ra, hàn khí lại sinh ra từ chân. Chân là nơi dương khí hội tụ, cũng là nơi dễ bị nhiễm lạnh nhất.
Vì thế, rất nhiều phụ nữ và người già cứ hễ đến mùa đông thì chân và tay rất lạnh, rất khó làm ấm lên được.
Vào thời tiết này khi đi ngủ nên tập luyện động tác "đạp chân" có tác dụng làm ấm chân, tốt cho sức khỏe.
Phương pháp "vận động đạp chân" rất đơn giản: trước khi ngủ, nằm trên giường, hai tay ôm đầu, bạn làm động tác đạp chân từ chậm đến nhanh, mỗi chân làm khoảng 3 phút, sau đó đổi chân.
Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi chân cảm thấy đau thì dừng lại, thời gian và số lần cụ thể tùy theo thể trạng của mỗi người mà tăng dần lên.
Đồng thời, trước khi ngủ cũng nên dùng nước ấm ngâm chân, lúc ngâm chân nên xoa bóp lòng bàn chân, có tác dụng làm ấm chân và hỗ trợ rất tốt cho giấc ngủ.
Mục đích chủ yếu của luyện tập đạp chân là để làm cho bàn chân được ấm lên (Ảnh minh họa)
Chữa mất ngủ bằng cách bấm huyệt vị
Huyệt dũng tuyền: Huyệt vị này nằm ở dưới lòng bàn chân, khi co bàn chân và các ngón chân lại, chỗ hõm xuất hiện ngay ở 1/3 trước gan bàn chân chính là vị trí của huyệt dũng tuyền, đây là huyệt thứ nhất của kinh thận.
Trong sách "Nội kinh" có viết: Thận xuất vu dũng tuyền, dũng tuyền giả túc tâm (thận xuất phát từ huyệt dũng tuyền, huyệt dũng tuyền ở lòng bàn chân).
Hai chân để hướng tự nhiên lên trên hoặc ngồi khoanh chân lại. Sau đó dùng hai ngón cái xoa đi xoa lại từ gót chân tới huyệt dũng tuyền, hoặc dùng hai bàn tay vỗ nhẹ lên huyệt dũng tuyền, làm cho lòng bàn chân nóng lên.
Bấm huyệt vị này có tác dụng rất tốt đối với thận, có thể bổ thận an thần. Thường xuyên xoa bóp rất tốt cho sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Vị trí huyệt dũng tuyền (Ảnh minh họa)
Huyệt thái khê: Đối với người thận hư hoặc âm hư hỏa vượng thì bấm huyệt vị này.
Huyệt thái khê nằm tại trung điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, khe giữa gân gót chân ở phía sau, là nơi tập trung kinh khí mạnh nhất của kinh thận.
Thường xuyên bấm huyệt vị này có tác dụng bổ thận âm, điều hòa âm dương làm cho thận khí được sung túc.
Vị trí huyệt thái khê (Ảnh minh họa)
Huyệt thần môn: đối với người tâm khí hư hoặc tâm huyết hư chọn huyệt thần môn. Huyệt nằm ở phía xương trụ, nằm trên lằn chỉ cổ tay, nơi chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ, huyệt là nơi tập trung kinh khí mạnh nhất của kinh tâm.
Thường xuyên bấm huyệt này sẽ bồi bổ tâm khí, an thần, hỗ trợ rất tốt để điều trị chứng mất ngủ.
Vị trí huyệt thần môn (Ảnh minh họa)
Huyệt thái xung: người gan nóng hoặc chức năng gan kém bấm huyệt vị này. Huyệt này nằm ở khe giữa ngón chân cái và ngón số hai bên cạnh nó, là nơi tập trung kinh khí mạnh nhất của gan.
Bấm huyệt thái xung, từ huyệt thái xung xoa bóp đến huyệt hành gian, có tác dụng rất tốt trong giải độc gan.
Vị trí huyệt thái xung (Ảnh minh họa)
Ba nguyên tắc quan trọng đối với giấc ngủ
Nguyên tắc thứ nhất: Tính quy luật.
Có câu "miên bất quá tý thời" (ngủ trước giờ tý). Đông y quan niệm rằng: "Dương nhập vu âm tắc mị, dương xuất vu âm tắc ngụ", nghĩa là (dương hợp với âm thì ngủ, dương dời âm thì thức dậy).
Giờ tý nửa đêm là lúc âm dương giao hòa, trời đất giao hoán, gọi là "hợp âm". Âm lấy yên tĩnh làm chủ, cho nên giấc ngủ về đêm kéo dài, vào giờ tý (23h – 1h) giấc ngủ sẽ ở trạng thái tốt nhất, ngon giấc nhất.
Giờ ngọ (buổi trưa) (11h – 13h) là thời khắc "hợp dương", nên ngủ khoảng 30 phút, có thể nâng cao hiệu quả công việc.
Tào Đình Đống, đời nhà Thanh có viết trong "Lão lão hằng ngôn" rằng: "Mỗi ngày vào lúc giờ ngọ, dương khí sẽ dần mất đi, nên nghỉ ngơi một lúc để hồi sinh dương khí; đến giờ tý, dương khí sẽ dần tăng trưởng nên giấc ngủ phải kéo dài để dưỡng âm khí".
Nói tóm lại, vào giờ tý buổi đêm giấc ngủ kéo dài, còn vào buổi trưa giờ ngọ nên ngủ một giấc ngắn, thực hiện tốt hai giấc ngủ "tý ngọ" là một liều thuốc quý đối với sức khỏe.
Nguyên tắc thứ 2: Điều hòa dạ dày.
Cổ nhân có câu: "vị bất hòa tắc ngọa bất an" (dạ dày không điều hòa được thì giấc ngủ không ngon). Vấn đề ăn uống và giấc ngủ có quan hệ mật thiết với nhau, đặc biệt là bữa tối có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của giấc ngủ.
Bữa tối nên ăn những đồ ăn thanh đạm, dễ tiêu hóa có thể giúp cho "dạ dày dễ điều hòa, vị khí hòa hợp, như vậy thì dương dễ nhập âm, có lợi cho sức khỏe.
Nếu như ăn những đồ ăn khó tiêu hóa như thịt cá, hoặc uống những đồ uống có chất kích thích như cà phê, trà ... dễ làm cho dạ dày khó điều hòa, dẫn đến dương không nhập âm, từ đó sinh ra mất ngủ.
Nguyên tắc thứ 3: Tĩnh tâm.
Cổ nhân có câu: "tiên thụy tâm, hậu thụy miên", nhấn mạnh tính quan trọng của việc tĩnh tâm trước giấc ngủ.
Trước giấc ngủ nên hết sức tránh xa việc nói chuyện quá nhiều, vui chơi giải trí quá mức hay các trạng thái cảm xúc lo âu buồn bã, không xem những bộ phim ảnh bạo lực, để cho tinh thần được an tĩnh thoải mái, thì dương dễ nhập âm.
Ngoài ra, trước lúc ngủ khoảng nửa tiếng có thể đi bộ quanh công viên, vườn hoa hay trong sân nhà, hít thở không khí trong lành, thả lỏng tinh thần, giúp cho âm dễ nhập dương, từ đó mà dễ ngủ hơn, giấc ngủ cũng ngon hơn.