19 năm trước, tên lửa Triều Tiên đã đe dọa Nhật Bản như thế nào?

Tất Đạt |

Trong đợt phóng thử tên lửa năm 1998, sau khi phô trương sức mạnh quân sự, Triều Tiên đã bị Nhật Bản cắt 1 tỷ USD trợ cấp xây dựng nhà máy hạt nhân dân dụng.

Lịch sử phát triển tên lửa Triều Tiên

Quá trình thử nghiệm hạt nhân, phóng thử tên lửa của Triều Tiên tuy đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng quốc gia này chưa bao giờ từ bỏ mà ngược lại, đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Lần phóng tên lửa qua không phận của Nhật sáng nay (29/8) gợi người dân nhớ về sự kiện tương tự ngày 31/8/1998, khi Triều Tiên lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo hai tầng bay qua vùng biển Nhật Bản, rơi xuống Thái Bình Dương.

Chính phủ Nhật Bản khi đó đã kịch liệt lên án hành động này. Tuy nhiên, năm 1998 không phải là lần đầu tiên Triều Tiên bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Năm 1985, Triều Tiên một mặt ký "Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân" (NPT), mặt khác tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tên lửa hạt nhân. Nhiều biện pháp can thiệp, trừng phạt, cấm vận của Liên Hiệp Quốc cùng các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Pháp … đều không đạt được kết quả khả quan.

Năm 1992, Triều Tiên cho phép một nhóm chuyên gia Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến Trung tâm hạt nhân Yongbyon để kiểm tra. Kết quả khảo sát phát hiện nhiều mâu thuẫn, trái ngược với tuyên bố của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên không chỉ phát triển hạt nhân cho mục đích dân sự, mà còn bí mật sử dụng lò phản ứng và cơ sở tái chế ở Yongbyon để biến nhiên liệu đã qua sử dụng thành Plutonium.

19 năm trước, tên lửa Triều Tiên đã đe dọa Nhật Bản như thế nào? - Ảnh 1.

Màn hình lớn trên đường phố Nhật Bản chiếu hình ảnh minh họa việc Triều Tiên phóng tên lửa (ảnh chụp ngày 29/7/2017). Ảnh: Newsweek

Ngày 12/10/1994, trước sức ép quốc tế, Triều Tiên đã đồng ý kí thỏa thuận khung với Mỹ. Trong đó, Bình Nhưỡng sẽ hủy bỏ các chương trình hạt nhân dưới sự giám sát của IAEA để đổi lấy xăng, dầu, lương thực và 2 nhà máy điện hạt nhân dân sự.

Khi thế giới tưởng chừng như đã an tâm về Triều Tiên, quốc gia này đột ngột phóng thử tên lửa bay qua Nhật Bản vào ngày 31/8/1998.

Lần đầu bay qua Nhật Bản

Theo giới chuyên gia khi ấy, vụ phóng tên lửa chứng tỏ tên lửa Triều Tiên đã cải thiện vượt bậc về phạm vi hoạt động. Trước đó, tên lửa dòng Nodong chỉ có thể tiếp cận vài vùng của Nhật. Nhưng tên lửa đạn đạo tầm trung Taepodong-1 đã có thể chạm tới hầu hết lãnh thổ Nhật Bản.

Báo Kyodo News thuật lại, tên lửa này bay được khoảng 1.500km. Tầng nhiên liệu của tên lửa rơi xuống biển trước khi bay qua Nhật, phần còn lại rơi xuống về phía đông đảo Honshu của Nhật, cách bờ biển gần nhất 386km và cách Tokyo khoảng 700km.

Các chuyên gia quân sự cho rằng đợt phóng thử này nhằm kỉ niệm 50 năm thành lập quốc gia vào ngày 9/9/1998. Nhiều nhà nghiên cứu khác cho biết đây có thể là hành động mang tính chính trị, trước khi đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra tại New York.

Ngoại trưởng Nhật Bản Sadaaki Numata nói: "Chúng tôi rất quan ngại bởi Triều Tiên đã xâm phạm chủ quyền an ninh Nhật Bản, làm ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định khu vực Đông Bắc Á. Không chỉ có vậy, xét tới việc nghiên cứu vũ khí hủy diệt hàng loạt, đây là hành vi gây nguy hiểm cho cả thế giới."

19 năm trước, tên lửa Triều Tiên đã đe dọa Nhật Bản như thế nào? - Ảnh 2.

Ảnh cắt từ video vừa được công bố bởi ADD, ghi lại khoảnh khắc tên lửa tầm bắn 800km rời bệ phóng. Ảnh: Yonhap

Thủ tướng Nhật khi ấy, ông Keizo Obuchi lên án mạnh mẽ hành động của Triều Tiên và cảnh cáo sẽ có biện pháp trừng phạt. Tên lửa được phóng đi không báo trước và nhiều mảnh tên lửa rơi xuống vùng biển có các tàu ngư dân Nhật hoạt động.

Sau đó, Nhật đã rút lại 1 tỷ USD tiền viện trợ xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân dân sự cho Bình Nhưỡng.

Triều Tiên không bình luận gì về những cáo buộc và cảnh cáo trên. Tuy nhiên, nước này khẳng định cuộc phóng tên lửa nhằm đưa vệ tinh thăm dò thời tiết Kwangmyongsong lên quỹ đạo vì mục đích dân sự.

Lần phóng thử tên lửa năm 1998 đã gây chấn động thế giới. Khả năng Triều Tiên có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tuy không cao, nhưng quốc gia này lại có hàng tấn vũ khí hóa học có thể lắp đặt trên tên lửa.

Trong năm nay, Triều Tiên đã tuyên bố đã đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn, và một lần nữa khiến các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, e ngại. Có thể thấy, Triều Tiên không chủ ý tấn công Nhật Bản, bởi 19 năm trước, tên lửa Triều Tiên đã tiến tới rất sát lãnh thổ nước này.

Nguyên do đằng sau đợt phóng thử

Theo phân tích, Triều Tiên phóng thử tên lửa năm 1998 nhằm hai mục đích chính:

Thứ nhất, Bình Nhưỡng muốn thử nghiệm kết quả của nhiều năm nghiên cứu và phát triển tên lửa. Rõ ràng, cách duy nhất để xem tên lửa có hoạt động tốt hay không là qua việc phóng thử.

Cuộc thử nghiệm không chỉ gửi thông điệp đe dọa tới các quốc gia trong khu vực mà còn tăng cường uy tín của Triều Tiên trên thị trường tên lửa.

Sau khi các hoạt động tài chính mờ ám của Triều Tiên bị Mỹ phát giác, Bình Nhưỡng phải chuyển hướng thu nhập sang lĩnh vực khác, trong đó vũ khí và tên lửa là hai loại mặt hàng khả quan nhất. Trung Đông và các khu vực đang giao tranh luôn là những khách hàng tiềm năng.

Và dù Triều Tiên luôn kín tiếng về chương trình vũ khí của mình, thì việc phóng tên lửa cũng là hình thức quảng cáo hiệu quả trong giai đoạn ấy.

19 năm trước, tên lửa Triều Tiên đã đe dọa Nhật Bản như thế nào? - Ảnh 3.

Triều Tiên phóng thử tên lửa. Ảnh: KCNA/Reuters

Theo số liệu từ Hàn Quốc, trong những năm 1980, Triều Tiên thu được 2,5 tỉ USD từ việc bán vũ khí, nhưng tới khoảng 1990 đến 1995, doanh thu giảm mạnh xuống còn 300 triệu USD. 

Phóng tên lửa là cách Triều Tiên thu hút khách hàng, và tiền từ việc bán tên lửa giúp Triều Tiên có được lượng lớn ngoại tệ.

Thứ hai, phóng tên lửa cũng giúp Triều Tiên ổn định nội bộ quốc gia, củng cố tinh thần dân chúng trong nước. Chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định việc phát triển tên lửa là nhằm phát triển công nghệ tiên tiến, và cho chính quyền lợi của người dân Triều Tiên. 

Khi được lòng dân và ổn định nội bộ, Triều Tiên có thể dễ dàng đưa ra các quyết sách quan trọng, chống chọi lại áp lực quốc tế.

Tên lửa Taepodong 1 bay qua vùng trời Nhật Bản năm 1998 cũng là lời cảnh tỉnh, thúc giục Tokyo hợp tác với Washington trong việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa.

Hơn nữa, tên lửa Triều Tiên cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình bầu cử lãnh đạo ở Nhật cho tới nhiều năm sau. Khi Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi hết nhiệm kì, nhiều lá phiếu đã nghiêng về ông Shinzo Abe, một người có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên và Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại