15 người chết vì ngộ độc thực phẩm trong 10 tháng

An Nhiên |

Ngày 9/11 tại TPHCM, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thông tin về tình hình an toàn thực phẩm từ đầu năm đến nay.

Theo đó, tính đến tháng 10/2018, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành xử phạt 99 cơ sở với số tiền gần 6 tỷ đồng, thu hồi hàng trăm giấy phép, tạm dừng lưu thông 26 lô sản phẩm vi phạm, trong đó có 13 lô sản phẩm vi phạm về ghi nhãn, 4 lô sản phẩm vi phạm về chất lượng, 9 lô sản phẩm không công bố sản phẩm theo quy định.

Cục An toàn thực phẩm đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả…

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc Chính phủ ban hành các Nghị định 15 và 115 về an toàn thực phẩm đã thay đổi căn bản phương thức quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng tăng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với an toàn của thực phẩm do mình sản xuất.

Bên cạnh đó, Nghị định 15 cũng thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm, có đến 90% sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo như quy định trước đây, chỉ tập trung nguồn lực tiền kiểm các sản phẩm có nguy cơ cao như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp.

Tuy nhiên, ông Phong cũng nêu một thực tế về tình trạng quảng cáo và bán hàng qua mạng xã hội, bán hàng online hiện đang rất khó quản lý. Có những sản phẩm chưa được công bố, chưa đăng ký vẫn được đăng bán trên mạng.

Bên cạnh đó là nhiều nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng cũng tham gia quảng cáo sản phẩm khiến cho việc quản lý và xử lý vi phạm càng khó khăn.

Theo quy định, Cục An toàn thực phẩm chỉ có thể xử lý sản phẩm vi phạm mà không thể xử lý được người đăng. Vì thế, Cục An toàn thực phẩm phải phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) để cùng kiểm tra, xử lý.

Về ngộ độc thực phẩm, tính đến 31/10/2018, toàn quốc xảy ra 91 vụ với 2.710 mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong, chủ yếu do ngộ độc rượu và ngộ độc nấm.

So với năm 2017, số vụ, số người mắc và tử vong vì ngộ độc thực phẩm đều giảm từ 24 – 37%.

Đối với các vụ ngộ độc tập thể, qua điều tra cho thấy có đến 70% số vụ ngộ độc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là do suất ăn được đơn vị khác nấu và vận chuyển đến.

Ông Phong cho biết, từ nay đến cuối năm, Cục An toàn thực phẩm sẽ tập trung thanh kiểm tra các sản phẩm thịt, bánh mứt kẹo, nước giải khát, rượu bia cho dịp Tết nguyên đán.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học.

Ông Phong nhấn mạnh: “Đến thời điểm này vẫn có những nhà máy chỉ chi 12.000 – 14.000đ cho một suất ăn công nhân, trừ đi các chi phí khác thì giá trị thật của một bữa ăn công nhân quá thấp.

Phần lớn công nhân đều trong độ tuổi 18 – 25, nếu chất lượng bữa ăn không đảm bảo, không đủ dinh dưỡng, cộng thêm cường độ lao động quá vất vả sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe sinh sản.

Vì thế, chúng tôi đang vận động các chủ doanh nghiệp nâng chất lượng bữa ăn cho công nhân, bố trí quỹ đất để xây bếp ăn tại chỗ, hạn chế những nguy cơ ngộ độc trong quá trình vận chuyển”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại