Bộ Y tế cho biết, trong năm 2017, bệnh dại vẫn tiếp tục lưu hành tại Việt Nam, số người chết do bệnh dại giám sát được đến ngày 30/11/2017 là 63 ca.
Ba tháng đầu năm 2018, cả nước có 16 trường hợp chết do bệnh dại. Thông tin mới nhất từ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, vừa có thêm một bệnh nhân tử vong do bệnh dại, trong hai tuần vừa qua đã có hai bệnh nhân bệnh dại tử vong. Trong đó, có một nạn nhân là bác sĩ thú y chủ quan không tiêm phòng dại.
Vết cắn trên tay nữ BS thú y tử vong vì bệnh dại. (Ảnh: Phương Linh)
Vì sao số ca tử vong do bệnh dại ở nước ta ngày càng tăng cao?
Theo báo cáo của Cụ Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, Việt Nam được xác định là một trong những "điểm nóng" toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi (BNTMN) bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái.
Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, bệnh dại vẫn là bệnh có số người tử vong cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác ở nước ta.
Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990-2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn 600 tỷ đồng mỗi năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân.
Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong do dại tập trung tại đây. Những ca tử vong này đã có thể phòng tránh được nếu ba biện pháp chính bao gồm tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn.
Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.
Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ.
Mắc bệnh dại nguy hiểm thế nào?
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương. Vi rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động ở người bệnh.
Người bị bệnh dại có những biểu hiện kích động như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; hoặc có trường hợp bị liệt dẫn tới hôn mê. Người bệnh thường tử vong sau 7 - 10 ngày.
Diễn biến từ khi bị chó dại cắn thường có 2 thời kỳ: Thời kỳ đầu: Khoảng 1 - 4 ngày, biểu hiện kín đáo và thất thường như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng.
Thời kỳ toàn phát: Lúc này người bệnh đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật, như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…
Người bệnh thường tử vong trong vòng vài ngày sau khi lên cơn dại. Ở giai đoạn này, người bệnh chỉ thoáng nhìn thấy hình ánh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng.
Vùng bị cắn - vết thương ở đầu và cổ, bộ phận sinh dục, cũng như những vết thương ở các khu vực đầu mút thần kinh như ngón tay, thường có thời gian ủ bệnh ngắn hơn do khoảng cách gần hơn cho vi rút xâm nhập vào mô thần kinh. Đối với trẻ em, thường bị cắn ở mặt nên thời kỳ ủ bệnh ngắn và diễn biến nhanh chóng, tử vong chỉ sau 2 - 3 ngày.
Cách sơ cứu khẩn cấp khi bị súc vật mắc dại cắn
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào cần:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
- Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
*Tổng hợp từ Cục Y tế dự phòng