1. Trên hành trình leo núi, người lữ hành nhìn thấy đỉnh cao. Khi đã đặt chân đến đỉnh cao, họ thấy gì? Là vực sâu. Đó chính xác là những gì Real Madrid đối mặt ở mùa giải tới.
Real là đội bóng tàn nhẫn và bạc bẽo nhất thế giới, không phải bàn cãi. Real vĩ đại bởi sự tàn nhẫn, và tàn nhẫn để trở nên vĩ đại. Thế nhưng, đội chủ sân Santiago Bernabeu vừa nhận "cái tát" trời giáng từ Zinedine Zidane khi chiến lược gia người Pháp nói lời chia tay đội bóng ngay ở trên đỉnh cao. Lần đầu tiên, một công thần dám... tàn nhẫn lại với Real.
Dù Zidane có đi đâu, không đội bóng nào có thể mang lại thành công cho huyền thoại này nhiều như Real. Thành Madrid vẫn là miền đất hứa, song Zidane vẫn ra đi vì "đội bóng cần có sự thay đổi".
Trong bài phát biểu chia tay Real, Zidane nhắc đi nhắc lại về "sự thay đổi". Thậm chí, Zidane còn không chắc chắn mình "hình dung được rõ ràng cách chiến thắng". 2,5 năm, 9 danh hiệu, hơn 100 chiến thắng, Zidane còn không biết chiến thắng thì ai là người chiến thắng được đây?
Nhưng Zidane vẫn đi. Vì cơ hội được ra đi trên đỉnh cao đôi khi chỉ đến 1 lần trong đời, và vì Zidane ra đi khi đã nhìn thấy được "điểm chết" của Real.
2. Mọi đế chế đều có 3 giai đoạn: Xây dựng, hưng thịnh và suy tàn. Thật khó để biết Real đã đi hết chu kỳ hưng thịnh hay chưa, song lịch sử chỉ ra rất rõ: không đội bóng nào có thể đứng trên đỉnh cao quá nửa thập kỷ, đặc biệt trong thế giới bóng đá hiện đại.
Manchester United thống trị Ngoại hạng Anh trong kỷ nguyên của Sir Alex Ferguson, nhưng đó là sự thống trị liên tục bị "ngắt quãng" bởi sự xuất hiện của Chelsea và Manchester City. Barcelona của Pep Guardiola "hô mưa gọi gió" trong 4 năm (2009 - 2012).
Đội tuyển Tây Ban Nha có 2 lần vô địch EURO và 1 lần chinh phục World Cup song thời gian đỉnh cao cũng "chỉ" là 5 năm.
Bóng đá đương đại cho phép các đội bóng ngày càng xích lại về mặt trình độ. Do đó, đứng trên đỉnh cao trong 5 năm như Real (4 chức vô địch Champions League) đã là quá giỏi. "Kền kền trắng" bộc lộ nhiều vấn đề ở mùa giải này khi hụt hơi ở La Liga (chỉ xếp thứ 3), giương cờ trắng trước Barca khi lượt đi còn chưa kết thúc và chỉ vô địch Champions League nhờ bản lĩnh và một chút may mắn.
Real mang ADN của nhà vô địch, song để tiếp tục duy trì thành công, chỉ phụ thuộc và bản lĩnh ở "đất mẹ Champions League" là không đủ, khi vốn dĩ sân chơi này có quá nhiều rủi ro.
Khi Pep Guardiola chia tay Barca, cây bút Ian Ladyman của Daily Mail cho rằng chiến lược gia người Tây Ban Nha "quá mệt mỏi với những thủ đoạn cay độc của Jose Mourinho (khi ấy đang dẫn dắt Real)". Nhưng sự thật có phải như vậy? Pep Guardiola ra đi, đơn giản vì ông nhìn thấy chu kỳ thành công của đội bóng với mình đã hết.
Mùa giải sau đó, Barca bị loại ở bán kết trước Bayern Munich với tỉ số nhục nhã 0-7 sau 2 lượt trận. 1 năm sau, lại là Barca thất bại ở tứ kết Champions League trước Atletico Madrid. Chỉ khi Luis Enrique lên nắm quyền và lập ra "tam tấu" huyền thoại M-S-N (Messi - Suarez - Neymar), Barca mới vô địch Champions League lần nữa.
Đẳng cấp của chiến lược gia không chỉ nằm ở chiến thuật, mà nó còn phụ thuộc vào tầm nhìn. Cũng như Guardiola, Zidane biết cách chọn thời điểm để ra đi, bởi Real đã đi đến đỉnh cao của đỉnh cao.
Không còn cột mốc nào để đội chủ sân Santiago Bernabeu chinh phục nữa. Một hình ảnh rất minh họa sau chiến quả của Real: phòng truyền thống của đội bóng... hết chỗ để cúp Champions League. Sau tột đỉnh vinh quang, mọi đội bóng cần có "chặng nghỉ" để gây dựng lại.
Vấn đề là người Madrid có chấp nhận chặng nghỉ đó không khi đã quá quen với những chức vô địch được Zidane mang về?
3. Sự tự mãn của Real đã đến ngay từ đầu mùa với khởi đầu tệ hại ở La Liga. Những đôi chân vương giả của Luka Modric, Toni Kroos, Marcelo bỗng chốc trở nên... lười biếng vì đã quá đủ vinh quang. Thậm chí, Kroos còn nhận được lời khuyên nên... giải nghệ bởi đã có đủ mọi danh hiệu cao quý nhất mà một cầu thủ có thể giành được.
Zidane luôn phủ nhận Real tự mãn, nhưng chiến lược gia người Pháp không thể ngăn cản hệ quả mang tính quy luật ấy. Nếu một đội bóng cứ thống trị mãi, môn thể thao vua này nên bị... dẹp bỏ. Vốn dĩ, con người không phải cỗ máy. Mà nếu là cỗ máy, thì các linh kiện ấy đang dần hao mòn sau quãng thời gian hoạt động hết công suất.
Sau trận chung kết, Cristiano Ronaldo bỗng dưng... bất an về tương lai. Ronaldo đã nhìn thấy sườn dốc ở tuổi 34, khi những đường gân thớ thịt không còn cho phép siêu sao người Bồ Đào Nha tạo nên ma thuật trên sân cỏ.
Gareth Bale yêu cầu "đá chính hoặc ra đi", khi đã chán cảnh phải chịu tầm ảnh hưởng của Ronaldo. Karim Benzema cũng nhấp nhổm rời Santiago Bernabeu, trong khi thời gian thi đấu đỉnh cao của những Luka Modric, Marcelo hay đội trưởng Sergio Ramos đang dần được rút ngắn lại.
Khi các trụ cột già đi từng ngày, lớp kế cận và dự bị của Real vẫn... không chịu lớn. Theo Hernandez, Dani Ceballos, Borja Maroyal,... mà đủ sức cáng đáng nhiệm vụ, Zidane đã không để nguyên đội hình chính của Real phải "cày ải" cả mùa. Marco Asensio chững lại, còn Isco chưa chắc suất đá chính.
Zidane nói không sai, Real cần thay đổi. Mọi cuộc "thay máu" đều phải trả giá đắt, vấn đề là trong bao lâu, bởi như đã nói: cổ động viên Real không có thói quen kiên nhẫn. Sự kiêu hãnh tạo nên Real, và có thể chôn vùi chính họ.
Áp lực phải thắng khiến cho HLV tương lai của Real cùng các cầu thủ phải hứng chịu sức ép lớn chưa từng có. Đây mới là lúc Real phải chứng tỏ bản lĩnh nhà vua. Nhưng chứng tỏ thế nào đây, khi "đầu lĩnh" phòng thay đồ đã nói lời chia tay.
Không còn Zidane, phòng thay đồ vốn phức tạp nhiều khả năng "bốc hỏa" trở lại. Đến khi Zidane ra đi, người ta mới ý thức rõ ràng được vai trò của ông ở đội bóng là lớn thế nào.
Với vị thế của đội bóng 3 năm liên tiếp "giẫm đạp "lên phần còn lại của châu Âu, Real sẽ vào trận với tư thế của nhà vua cô độc. 2 năm liên tiếp đá chung kết với 1 đội hình cho thấy 2 mặt của vấn đề.
Một là những cái tên của Real là những người xuất chúng, ổn định nhất. Và hai là đội bóng này chưa tìm được... cầu thủ nào hay hơn. Đó là chưa kể, lối chơi của Real không hề cho thấy sự nâng cấp. Đó là lí do Zidane hoài nghi về khả năng chiến thắng, nếu đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha cứ đá thế này.
Zidane đã "hạ cánh an toàn" và trở thành huyền thoại bất tử trên băng ghế chỉ đạo. Người ta ngợi ca sự khôn ngoan của chiến lược gia người Pháp, nhưng hãy nhớ, niềm vui ấy không thể nào san sẻ được cho Real.
Phía trước người kế nhiệm của Zidane là màn đêm. Hoặc cố hết sức để bám trụ lại đỉnh cao, hoặc rơi thẳng xuống vực thẳm u tối. Vốn dĩ Real chẳng còn đỉnh cao nào khác để vươn tới nữa.