Youtube có thể được coi là một trong những nền tảng mạng xã hội thành công nhất thế giới. Thương vụ Google mua lại nền tảng này được cho là một trong những thành công lớn nhất của ông lớn công nghệ.
Tuy nhiên theo tờ New York Times, Youtube lại đang hoạt động kém hiệu quả sau 15 năm được Google mua lại nếu so sánh với những gì các nhà đầu tư bỏ ra và kỳ vọng vào nền tảng này. Nói chính xác hơn, dù mang tiếng là một trong những cỗ máy kiếm tiền cho Google nhưng Youtube chưa phát huy hết tiềm năng của mình.
Số tiền mà Youtube kiếm được từ bán quảng cáo, nguồn thu chính của nền tảng này trong năm qua là khoảng 11,2 tỷ USD. Nếu đem ra so sánh thì chúng chẳng hơn số tiền quảng cáo của hãng truyền hình hạng trung ViacomCBS tại Mỹ là bao.
Thậm chí Twitter, dù không được đầu tư khủng như Youtube nhưng cũng có doanh thu quảng cáo bình quân đầu người cao gấp đôi so với nền tảng của Google.
Tờ New York Times nhận định dù Youtube là ông lớn trong mảng video với số tiền thu quảng cáo lớn nhưng đứng trên phương diện tài chính, nền tảng này hoạt động vẫn kém hiệu quả so với danh tiếng và sự đầu tư vốn có.
Khác với nhiều nền tảng mạng xã hội, Youtube trả tiền cho rất nhiều người hoặc doanh nghiệp để làm nên những video chất lượng. Tất cả những clip đạt tiêu chuẩn của Youtube sẽ được nền tảng này chia sẻ 55% tiền quảng cáo. Chính điều này đã khiến nhiều người bị thu hút bởi Youtube thay vì Facebook, Instagram hay Tiktok.
Thế nhưng cũng chính điều này giới hạn tiềm năng của Youtube bởi người dùng đang thoải mái sáng tạo miễn phí các sản phẩm trên mạng xã hội khác để rồi công ty thu phí quảng cáo mà không cần chia sẻ với ai. Chính lượng người nổi tiếng trên Facebook, Twitter đã tạo thêm danh tiếng và thu hút quảng cáo cho các mạng xã hội này, thế nhưng chẳng phải ai trong số họ cũng được trả tiền.
Tờ New York Times nhận định việc chuyển một phần tiền quảng cáo cho người làm nội dung đã giúp Youtube trở nên hấp dẫn nhưng điều này cũng giới hạn khả năng kiếm tiền của nền tảng so với độ nổi tiếng vốn có.
Nếu so sánh, doanh thu từ quảng cáo của Youtube chỉ bằng chưa đến một nửa số với Netflix. Tất nhiên con số này chưa tính đến nguồn thu từ đăng ký kênh hay những thu nhập khác.
Bên cạnh đó, việc chỉ trả tiền cho một số video đạt tiêu chuẩn khiến nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ bị quá tải hoặc chán nản với Youtube, qua đó chuyển sang các mạng xã hội vui vẻ hơn.
Rõ ràng, giữa một rừng video nhảy nhót, ca hát cùng nhiều thể loại giải trí, giáo dục hay sản phẩm truyền thông trên Youtube, để có thể sáng tạo một clip chất lượng hút người xem là không hề đơn giản nếu không muốn nói là ngày càng khó.
Nguy hiểm hơn, việc cố gắng đạt lượng người xem cao để có tiền quảng cáo khiến nội dung trên Youtube dễ dàng bị xuyên tạc, sử dụng các thông tin người lớn, nhạy cảm để tăng tương tác.
Theo New York Times, rõ ràng Youtube chưa thực sự thành công với mô hình kinh doanh của mình xét trên phương diện tài chính, dẫu rằng nền tảng này đang thu về hàng chục tỷ USD với độ nổi tiếng lan rộng trên thế giới.
Hưởng lợi từ đại dịch?
Youtube được thành lập vào năm 2005 bởi 3 cựu nhân viên Paypal và được Google mua lại vào năm 2006 với giá 1,65 tỷ USD. Theo đánh giá của Alexa tính đến năm 2020, Youtube được đánh giá là trang web phổ biến thứ 2 thế giới sau Google.
Trước khi bị thâu tóm bởi Google, Youtube từng cho biết họ kinh doanh theo mô hình ăn tiền quảng cáo với doanh thu khoảng 15 triệu USD/tháng. Trong suốt hơn 15 năm lịch sử của mình, Youtube đã thu hút được hơn 2 tỷ người dùng hàng tháng theo dõi vô số video trên trang web này.
Vào quý II/2021 vừa qua, Youtube báo cáo mức doanh thu 7 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu quảng cáo online bật tăng mạnh mùa dịch.
Trên thực tế doanh thu của Google dựa vào nền tảng tìm kiếm và Youtube đã bị ảnh hưởng năm 2020 do các doanh nghiệp phải đóng cửa vì dịch. Thế nhưng việc nhiều nước Phương Tây mở cửa trở lại sau chiến dịch tiêm chủng đã thúc đẩy nhu cầu quảng cáo bật tăng trở lại đầu năm 2021.
Giám đốc Philipp Schindler của Google cho biết Youtube hiện đã trở thành một trong những yếu tố đóng góp chủ chốt cho đà tăng trưởng mạnh gần đây nhờ sự dịch chuyển sang kinh doanh và quảng cáo online mùa dịch.
Theo giám đốc Schindler, dịch vụ YoutubeTV đã trở thành dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất của công ty với 120 triệu lượt theo dõi hàng tháng tính riêng ở Mỹ. Trong khi đó dịch vụ YoutubeShorts được tạo ra để đối trọng với Tiktok cũng đã có lượng xem hàng ngày vượt 15 tỷ, cao hơn nhiều so với mức 6,5 tỷ cách đây 3 tháng.
Thậm chí CEO Sundar Pichai của Google còn tự hào tuyên bố công ty đã đạt nhiều kỷ lục về doanh số trong thời gian gần đây, đồng thời cho biết Youtube đã thanh toán tiền quảng cáo quý II/2021 cho những người làm nội dung nhiều hơn bất cứ quý nào trong lịch sử.
Mặc dù vậy, Google và Youtube hiện vẫn bị cáo buộc khá nhiều đến vấn đề tiết lộ thông tin cá nhân, không kiểm soát các nội dung độc hại và gây ảnh hưởng xấu đến một số thị trường. Ngoài ra, Châu Âu và nhiều nước Phương Tây cũng cáo buộc Google có hành vi trốn thuế dù thu được lợi nhuận khủng từ thị trường của họ.
Nguồn: NYTimes