YouTube chặn quảng cáo trên các video liên quan đến yêu quái Momo, tái khẳng định: Momo là trò bịp

J.D |

Cuối cùng công ty cũng lên tiếng về trò bịp bợm đang nổi như cồn trên trang chia sẻ video lớn nhất hành tinh thời gian qua.

Mới đây, Youtube xác nhận họ không cho phép chạy quảng cáo trên tất cả các video có liên quan đến thử thách tự sát "Momo Challenge". Lệnh cấm này áp dụng cho mọi hình thích quảng cáo, kể cả khi nó đến từ các trang tin và doanh nghiệp có uy tín trên internet.

Được biết ở thời điểm hiện tại, kênh Youtube của các trang tin uy tín như CBS, ABC, CNN, Fox đã cho đăng tải một số phân đoạn ngắn về Momo. 

Theo The Verge, Youtube mới đây đã khẳng định rằng mọi nội dung liên quan đến Momo là vi phạm đến quy định của họ, và do đó sẽ không được phép chạy quảng cáo. Ngoài ra, các video này còn phải đính kèm cảnh báo trước cho người xem về nội dung mang tính chất bạo lực.

YouTube chặn quảng cáo trên các video liên quan đến yêu quái Momo, tái khẳng định: Momo là trò bịp - Ảnh 1.

Màn hình hiện ra trong video Momo của CBS

Được biết, Momo ban đầu chỉ là một dạng truyện kinh dị do người dùng Reddit nghĩ ra. Tuy nhiên đến năm 2018, nó bỗng trở thành hiện tượng đáng sợ trên thế giới sau khi có tin một cô bé 12 tuổi tại Indonesia tự sát vì tham gia vào trào lưu "Thử thách Momo".

Theo các thông tin được lan truyền, thử thách này xuất hiện trên WhatsApps, trong đó yêu cầu con trẻ nhắn tin vào một số điện thoại lạ, và rồi nhận được các hướng dẫn tự hủy hoại bản thân.

YouTube chặn quảng cáo trên các video liên quan đến yêu quái Momo, tái khẳng định: Momo là trò bịp - Ảnh 2.

Hình ảnh bệnh hoạn được chọn làm đại diện cho thực thể Momo bắt nguồn từ tác phẩm nghệ thuật "Chim Mẹ", sáng tác bởi nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa, trưng bày tại Phòng triển lãm Vanilla ở thành phố Tokyo vào năm 2016. 

Chính nhờ ngoại hình đầy ám ảnh với đôi mắt lồi, thân trên là người, thân dưới là gà kèm theo bộ tóc dài xõa xượi, mà chỉ từ một tác phẩm nghệ thuật, "Chim Mẹ" đã bị biến tấu thành Quái vật Momo.

Tuy nhiên, một số trang tin, trong đó có BBC, cho rằng Momo Challenge thực chất chỉ là một trò lừa bịp, một dạng "truyện kinh dị" được lan tỏa mà không có kiểm chứng. Như Taylor Lorenz, phóng viên của The Atlantic chia sẻ: "Thử thách Momo rộ lên từ các trang tin tức địa phương, và khiến các bậc phụ huynh trên toàn thế giới phải lo sợ."

Thậm chí, phóng viên Jim Waterson từ The Guardian còn lên tiếng chỉ trích gay gắt, rằng đang có "những kẻ làm báo vô trách nhiệm nhất mọi thời đại tại quốc gia này (Anh Quốc)."

Ở thời điểm hiện tại, Youtube đang hành động rất quyết liệt khi xét duyệt quảng cáo, sau khi xuất hiện tranh cãi về những comment mang nội dung kích động và dụ dỗ trong các video dành cho trẻ em. Cấm quảng cáo trên Momo - dạng nội dung đang gây hoang mang cho các bậc phụ huynh - vì thế là một động thái hoàn toàn hợp lý.

Cũng theo Youtube, biến tướng mới nhất của Momo Challenge là các video có hình ảnh Momo gạ gẫm trẻ em tự hủy hoại bản thân. Tuy nhiên, Youtube khẳng định họ không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các video ấy thực sự tồn tại trên nền tảng của họ, đồng thời tái khẳng định: "video với nội dung bạo lực và các thử thách nguy hiểm là vi phạm quy định của chúng tôi."

Mục tiêu của Youtube là tạo ra một nền tảng thân thiện hơn và cân bằng hơn giữa các gia đình và nhóm doanh nghiệp quảng cáo. Trong vài tuần qua, họ đã xóa bỏ hàng chục triệu bình luận có tính chất dụ dỗ khiêu khích, đồng thời đóng luôn hơn 400 kênh chia sẻ nội dung phản cảm dành cho trẻ em.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại