Vợ lười... tắm

havan |

Ra đường Thùy xinh đẹp vì vẻ bề ngoài được phủ lên bằng công nghệ make up. Ở nhà… nhiều lúc, Tuân còn không muốn gần gũi vợ, vì vợ… lười tắm.

Cuối tuần, Tuân rủ rê Thùy:“Ngày mai, vợ chồng mình đi tắm hơi! Giải tỏa stress tí vợ nhỉ!”. Ngay lập tức Thùy chống chế: “Ôi giời! Anh stress thì cứ đi tắm đi. Em không stress nên thôi, em tắm ở nhà cũng được chồng yêu ạ!”.

Nghe vợ nói mà Tuân xẹp lép cả hứng thú. Chả là Tuân muốn nhắc khéo vợ… chứ Tuân đi một mình hay tắm ở đâu cũng không quan trọng gì. Mà vợ anh bảo tắm ở nhà thế chứ chả biết liệu nàng có tắm không.

Thùy xinh xắn, có học thức. Sự chỉn chu mỗi lần hẹn hò toát ra từ phía cô tạo cho Tuân một sự tin tưởng. Anh tin rằng cô sẽ đảm đang, biết chăm lo cho gia đình, nhất là khi anh là một kỹ sư xây dựng và công việc thường xuyên phải xa nhà. Thế nhưng chính cái cảm giác tưởng như đinh đóng cột ấy đã đánh lừa anh. Học thức, xinh xắn, vẻ bề ngoài chỉn chu ấy không phải bao giờ cũng đảm bảo đó là một con người gọn gàng, sạch sẽ.

Tuân là dân xây dựng, vốn ăn đời ở kiếp với cái mác “phong trần”. Nói thẳng ra là bụi bặm và bừa bãi. Vậy mà lấy Thùy, anh thấy mình chới với, vỡ mộng, thấy mình vẫn còn gọn gàng hơn vợ gấp nghìn lần. Những tưởng Tuân phải là người bị chỉnh đốn, vậy mà Tuân lại phải đảm nhận cái trách nhiệm nặng nề và đầy khó khăn là đi chỉnh đốn vợ.

Người ngoài nếu cứ căn cứ vào vẻ “sáng láng” của Thùy thì không bao giờ nghĩ rằng cô là người… ăn ở không sạch. Nếu không được mục sở thị căn nhà và bộ dạng của cô khi ở nhà một cách bất thình lình thì có lẽ Tuân có điều tiếng than vãn thì lại bị cho là đi nói xấu vợ.

Sau tuần trăng mật ngọt ngào, Tuân tá hỏa trước sự hồn nhiên một cách hoang dại của vợ. Đồ đạc trong nhà, Thùy vứt mỗi thứ một nơi. Chẳng cái gì có một vị trí cố định cả. Sách đọc đâu vứt luôn đấy. Có lần muốn đọc “Tiếng gọi nơi hoang dã”, anh phải tìm nó trong xó bếp, dính đầy dầu mỡ. Miệng anh méo xệch khi nghĩ về cô vợ ham đọc sách mà bừa bãi. Anh không bao giờ có thể nghĩ được 2 tính cách ấy có thể sống chung với nhau trong một con người.

Tất đi xong, Thùy nhét xuống gậm giường hay vứt trên nóc tủ cho đến khi bốc mùi. Quần áo thì cỡ 1 tuần cô giặt một lần, với lý do “cho tiện, đỡ tốn thời gian, đỡ tốn điện”. Dao dùng xong, tiện tay cất đi luôn không thèm rửa, để gỉ sắt bám thành tảng.

Ra đường Thùy xinh đẹp vì vẻ bề ngoài được phủ lên bằng công nghệ make up, quần áo thời trang, nước hoa. Chứ ở nhà, nhiều lúc, Tuân còn không muốn gần gũi vợ, vì vợ… lười tắm. Nào có phải thiếu thốn như ngày xưa mà lo không có nước nóng lạnh, sữa tắm, dầu thơm... Nhắc thẳng thì sợ học thức cao, dễ tự ái rồi lại làm tổn thương nhau. Nhắc khéo thì cô viện lý lẽ rằng “tắm nhiều hại da, người ta cả đời tắm có 2 lần có sao đâu!”.

Quần áo luộm thuộm, người có mùi, đầu tóc bết lại... Nhìn vợ, nghe vợ lý giải mà anh lắc đầu ngao ngán. Đó cùng là lý do chẳng bao giờ anh muốn mời bạn về nhà, vì có ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Thôi thì cứ để người ta ngưỡng mộ “ông Tuân có cô vợ xinh đẹp, lại biết cách ăn mặc, bà vợ nhà tôi đúng là chỉ có xách dép”.

Tuân không biết sẽ tiếp tục cuộc sống này được bao lâu nữa. Có lẽ anh cần nói chuyện thẳng thắn với Thùy. Anh không muốn con gái mình sau này cũng… lười tắm như vợ.

Theo Affamily.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại