Hoài Phương à, chuyện mẹ chồng nấu nướng giúp con dâu cũng bình thường mà. Bạn ít khi về nhà nên mỗi lần về nhà, mẹ chồng đối xử với bạn như khách cũng dễ hiểu thôi.
Còn rau quả trên thành phố chứa nhiều chất hóa học độc hại. Mẹ chồng mua đồ sạch cho con trai và các cháu bà dùng để đảm bảo sức khỏe. Chẳng qua bạn là con dâu được dùng ké thôi.
Dù thế nào cũng phải công nhận, mẹ chồng bạn còn mang đậm chất quê nên mới hiền hậu như vậy. Âu đó cũng là cái phước mà bạn được hưởng.
Gia đình nhà chồng tôi chỉ có anh là con trai nên chúng tôi phải sống cùng bố mẹ chồng. Ở cùng mẹ chồng, tôi thấy mẹ chồng mình không những khéo mà còn khôn nữa.
Vừa chân ướt chân ráo vào nhà chồng, mẹ chồng đã giao cho tôi quản hết việc nhà. Mẹ khen con dâu tháo vát nên sẽ có thể lo chu toàn hết mọi việc.
Hàng ngày tôi phải đầu tắt mặt tối phục vụ bố mẹ và em gái chồng. Nhiều lúc, mắt tôi tối sầm lại - dấu hiệu bị tụt huyết áp. Song không muốn phụ niềm tin to tướng mà mẹ chồng trao tặng nên tôi vẫn phải gắng sức.
Mẹ chồng giao cho tôi việc đi chợ. Mỗi tháng mẹ đưa cho tôi 5 triệu gồm tiền ăn của bố mẹ và em gái chồng. Mỗi bữa mẹ chồng đều khen con dâu “bếp trưởng khéo tay”. Để được những bữa ngon vừa miệng cả nhà, tôi thường phải bù tiền riêng mua thức ăn.
Mẹ chồng tôi đã 50 tuổi nhưng trông bà chỉ như ngoài 40. Bà thích diện những bộ đồ hợp thời và thường đi spa chăm sóc da.
Cuối tuần bà thường rủ tôi cùng đi mua sắm hoặc đi chăm sóc sắc đẹp. Bà thủ thỉ: “Hai mẹ con đi cho tình cảm”.
Tới chỗ nào, mẹ chồng tôi cũng say sưa kể việc vẹn toàn của con dâu với các nhân viên của quán. Tất nhiên, lúc sắp ra về, chẳng người con dâu “tốt nết” nào lại nỡ lòng để mẹ chồng trả tiền.
Nhiều lúc, hứng lên bà còn đi sát phạt bài bạc với bạn bè. Đến lúc tàn canh, bà thường gọi điện cho tôi đến đón về. Lúc tôi đến đón cũng là thời điểm mấy phụ nữ trung niên ấy bắt đầu tính toán được thua. Vậy là, tôi lại là người phải trả nợ cho mỗi cuộc thua của mẹ chồng.
Hàng ngày bà vẫn thường vin vào thu nhập cao của vợ chồng tôi để có thể chi tiêu mạnh tay. Chúng tôi đều làm nhân viên kinh doanh nên mỗi tháng kiếm được gần 30 triệu đồng. Để mẹ chồng vui và hài lòng, tôi cũng chi nhiều khoản.
Thế nhưng, có tháng công việc “thất bát”, lương thưởng chẳng được bao nhiêu. “Màng túi” của tôi bị thủng lỗ chỗ.
Tôi nhẹ nhàng tâm sự với mẹ chồng chuyện hết tiền. Bà vỗ vào vai tôi nói: “Con dâu mẹ giỏi thế xoay đâu chả được đống tiền”. Lời có cánh của mẹ chồng dồn tôi vào thế bí.
Nếu cần chi tiêu gì, tôi đành phải nghiến răng về vay nhà ngoại để dùng. Lẽ nào tôi dám thú nhận bị “cháy túi”. Mỗi lần như thế, chỉ có 2 vợ chồng tôi biết.
Cuối năm nay, em gái chồng tôi sẽ lên xe hoa. Mẹ chồng tôi vui mừng đi nói ráo trước với họ hàng. Bà bảo: “Cái Thương (tên em gái chồng tôi) tốt phước có chị dâu thương yêu. Kiểu gì vào ngày vu quy, chị dâu chả tặng cho nó chồng cái kiềng vài chỉ”.“Tiếng lành đồn xa”, cả họ hàng nhà chồng đều nức tiếng khen tôi thảo vì tặng em kiềng vàng.
Tôi nhớ mình chưa hề phát ngôn về chuyện tặng của hồi môn này cho em chồng. Nhưng lời người nọ truyền cho người kia khiến việc chị dâu tặng em chồng kiềng vàng đã trở thành “mặc định”.
Cứ đà này, tôi sẽ trở nên “tứ khố vô thân” vì lời khen của mẹ chồng mất. Bây giờ vợ chồng tôi còn son rỗi, chi tiêu khá rủng rỉnh được. Sau này mà có con cái thì chẳng biết lo bằng cách nào nữa.
Các chị em bị mẹ chồng mắng nhiếc thật khổ sở. Nhưng tôi nhận được lời khen của mẹ chồng đâu cũng sung sướng gì. Đúng là “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”.