“Vi chất tình yêu” cho nam giới

havan |

Tác dụng có lợi của kẽm (một kim loại mà cơ thể cần ở lượng rất nhỏ nên được gọi là vi chất) không còn xa lạ với cộng đồng.

Kẽm có tác dụng tốt trong tăng trưởng và phát triển ở trẻ em, đặc biệt là tăng trưởng chiều cao, phụ nữ mang thai, cần thiết trong điều trị tiêu chảy, giúp tăng cường hệ miễn dịch - giảm nguy cơ bệnh nhiễm trùng, giúp mau lành vết thương, phục hồi nhanh trong cảm cúm...kẽm còn một tác dụng đặc biệt khác là giúp điều hòa nồng độ nội tiết tố testosterol ở nam giới, một nội tiết tố liên quan đến chức năng sinh dục và sinh sản ở nam giới. Do đó kẽm được ví như một vi chất cần thiết cho tình yêu ở nam giới.

Ảnh minh họa

Kẽm có mối quan hệ mật thiết với nội tiết tố nam

Nội tiết tố sinh dục nam testosterol được sản sinh ở tinh hoàn và tuyến thượng thận, có chức năng quan trọng trong quá trình sản xuất tinh trùng, phát triển cơ quan sinh dục nam, tăng ham muốn tình dục ở nam giới và liên quan đến việc phát triển đặc tính sinh dục nam thứ phát như mọc râu, phát triển cơ bắp, tạo giọng nói trầm ở nam giới...

Nồng độ nội tiết tố testosterol chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là kẽm. Nồng độ kẽm đủ giúp sản xuất đủ testosterol, nồng độ kẽm giảm dẫn đến giảm sản xuất nội tiết tố này.

Uống rượu bia thường xuyên làm giảm nồng độ kẽm

Lượng kẽm trong cơ thể nam giới chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố, trong đó có chế độ ăn, tuổi tác. Nồng độ kẽm giảm trong chế độ ăn thiếu thực phẩm giàu kẽm (thường gặp ở người ăn chay, theo nghiên cứu cho thấy khẩu phần ăn chay chỉ đáp ứng 50% nhu cầu kẽm cho cơ thể), nam giới sau tuổi trung niên, người uống rượu bia thường xuyên.

Theo các nghiên cứu, có 30-50% trường hợp uống rượu thường xuyên làm giảm nồng độ kẽm trong máu, do rượu làm giảm hấp thu kẽm tại ruột và tăng đào thải kẽm theo đường niệu. Ngoài ra, vài loại thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp (ví dụ lợi tiểu thiazide và hydrochlorothiazide) nếu sử dụng kéo dài cũng làm giảm nồng độ kẽm trong cơ thể do tăng đào thải kẽm qua đường tiểu.

Ăn gì giàu kẽm?

Kẽm có nhiều trong các thực phẩm sau đây, theo hàm lượng từ cao xuống thấp: đứng đầu là con hàu, sau đó đến sò huyết, sò lông, thịt bò, thịt heo, lòng đỏ trứng, thịt gà ta, cua biển. Trong thực vật kẽm có ít hơn, các thực phẩm chứa kẽm tương đối bao gồm cơm dừa già, đậu nành, đậu Hà Lan, đậu xanh, măng chua, rau răm, rau ngót...Không giống như sắt, kẽm không được dự trữ trong cơ thể, do đó nồng độ kẽm lệ thuộc vào lượng kẽm trong thực phẩm ăn vào mỗi ngày. Để đạt được nồng độ kẽm, cần có chế độ ăn giàu kẽm thường xuyên.

Với những ai không thể đủ kẽm qua chế độ ăn, có thể bổ sung kẽm dưới dạng thuốc. Thuốc kẽm được chỉ định bổ sung ở nhiều trường hợp, trong đó có chỉ định liên quan đến việc giúp tăng trưởng - đặc biệt là tăng chiều cao ở trẻ em, tăng cường chức năng hệ miễn dịch, bổ sung trong đợt bệnh tiêu chảy, bổ sung giúp mau lành vết thương, trong một số bệnh da liễu, trong việc giảm khả năng sinh sản ở nam giới... Trên thị trường thuốc ở nước ta, kẽm rất đa dạng về trình bày và hàm lượng, do đó cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Theo ThS.BS Trần Quốc Cường

Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại