Cũng có người, để cưới được tấm chồng như ý, đã đem tình dục đi giăng bẫy, dùng thủ đoạn “lỡ có bầu” để “buộc”. Thế nên, khi gặp người đàn ông “lý tưởng”, họ đã tìm cách trao thân, hiến dâng không một chút bận tâm.
“Cho” rồi, liệu có “buộc” được?
Hoa (ở Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai) tâm sự trong nước mắt: “Thấy các bạn gái cùng trang lứa đều có nơi có chốn mà mình vẫn đi về một bóng đơn côi, tôi khá sốt ruột. Khi gặp Bình, người mới chuyển đến trọ gần phòng, tôi thấy anh chàng này nói chuyện có duyên. Sau khi nảy sinh tình cảm với Bình thì tôi mới biết anh ấy đã có người yêu. Vì thế, tôi quyết định “dính bầu” để níu kéo. Nhưng tôi càng níu kéo thì anh ta càng trốn chạy. Anh ta cương quyết khẳng định đứa bé không phải là con của mình, không chịu trách nhiệm gì với mẹ con tôi...”.
Sau khi “cho”, giờ đây Hoa mới nhận ra rằng tình cảm vợ chồng không thể bắt đầu từ một sự gượng ép, áp lực hay ăn vạ. Vì sự toan tính của mình, hiện nay cô đang phải gánh chịu tất cả hậu quả.
Một trường hợp khác cũng dùng mưu như Hoa là Thanh (ở quận 2, TP.Hồ Chí Minh). Cô gái này tưởng chừng như may mắn hơn Hoa vì sau khi đưa anh Hải vào thế “đã rồi”, Thanh được gia đình anh rước đình đám về dinh. Nhưng sống mãi trong cuộc hôn nhân không tình yêu, Thanh dần dần cảm thấy lạc lõng ngay trong ngôi nhà mà cô hằng mơ ước.
Cuối cùng, Thanh phải cay đắng thừa nhận rằng cô có thể dùng đứa trẻ trong bụng mình để giành được Hải từ tay người con gái khác, nhưng cô không thể khơi dậy tình yêu nơi anh. Hải vẫn đi về trong gia đình, vẫn có trách nhiệm đầy đủ với con. Nhưng anh không thể có tình cảm với một người đã từng gài anh vào bẫy. Thế nên, hiện tại của Thanh là những tháng ngày ê chề, âm thầm chịu đựng cảnh thờ ơ, lạnh nhạt, thất vọng ngay trong chính “tổ ấm” của mình và từ người bạn đời của mình...
Suy nghĩ của đấng mày râu về chuyện “cho” để “buộc”
Xét về tâm lý con người, thật khó để các chàng trai lắc đầu từ chối khi được phụ nữ vô tư “cho”. Tuy nhiên, khi đã “no xôi chán chè”, các chàng lại quay về suy nghĩ: “Sao cô ta lại quá dễ dãi với mình như thế? Cô ta có dễ với người khác như với mình không? Hay là cô ta dùng bẫy tình để dụ dỗ mình?”.
Sau khi sập bẫy tình, có muôn vàn tình huống nảy sinh với các chàng trai. Quan hệ tình dục trong các cuộc tình chớp nhoáng này đương nhiên có mục đích số một là thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Thế nên, khi các chàng đã tỏ đường đi lối về, cuộc tình đó sẽ sớm tàn lụi. Sau đó, không ít chàng im lìm quất ngựa truy phong, để lại nàng một mình ôm ấp một “bầu tâm sự”, không biết giải quyết cùng ai.
Có chàng khi nghĩ đến việc làm bố đã “phát hoảng”, đành tìm mọi cách thuyết phục “đối tác” đi kiểm tra và xử lý “hậu quả”. Chỉ một số chàng chấp nhận gắng gượng làm chồng, làm cha “bất đắc dĩ”. Tuy vậy, họ luôn cảm thấy mình bị lừa, bị sập bẫy. Sống với vợ con, nhưng khi có ai khiêu khích, các chàng lại nghĩ tới cảnh “tò vò nuôi nhện”, biết đâu mình bị gài làm cha cho đứa con không phải ruột thịt với mình?
Người đàn ông chỉ hết lòng với gia đình khi chính họ lựa chọn và tự nguyện. Tình cảm vợ chồng vốn bắt nguồn từ tình yêu đôi lứa, nhưng tình yêu đó phải được nảy nở một cách tự nhiên. Hôn nhân cũng là tự nguyện, không ai có quyền ép buộc người khác kết hôn với mình. Vì thế, cách “cho để buộc” không phải lúc nào cũng cho phép người phụ nữ kiếm được tấm chồng.
Hệ lụy
Dù ôm mối hận trong lòng, nhưng Hoa không thể trốn chạy vai trò làm mẹ. Hoa biết rằng giờ đây cô không thể hy vọng gì ở Bình, thay vào đó, cô sẽ phải tự vươn lên. Xác định tư tưởng là thế nhưng Hoa chưa nghĩ ra giải pháp để hai mẹ con sống được qua ngày tại khu công nghiệp giàu tính cạnh tranh.
Còn Thanh, cô luôn dằn vặt, trách móc bản thân: “Giá như ngày đó mình đừng tham lam, ích kỷ, đừng giành giật anh Hải từ người ta. Giá như mình cứ sống vô tư để chuyện chồng con đến một cách tự nhiên, thì giờ này chắc không phải đau khổ, căng thẳng đến thế...”. Nhưng tất cả đều quá muộn. Đứa con bé bỏng vô tội của Thanh hằng ngày phải gánh chịu những lời mắng mỏ, dọa nạt vô cớ từ người mẹ.
Dưới góc độ, phân tâm học, những đứa trẻ ra đời mà không được yêu thương, chờ đợi của cha mẹ phải chịu rất nhiều thiệt thòi về mặt tâm sinh lý. Người phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ sống trong lo lắng, sợ hãi thì đứa trẻ sinh ra sẽ có nhiều nguy cơ thiếu tự tin, rơi vào trạng thái tự kỷ, trầm cảm.
Những cuộc hôn nhân gượng ép, trói buộc, những người phụ nữ nuôi con đơn thân vì sự chối bỏ trách nhiệm của người đàn ông luôn dẫn đến nhưng bi kịch đáng buồn. Hệ lụy cho xã hội là những cô gái rơi vào tình cảnh bị người yêu rời bỏ phải tự lo giải quyết trở nên thất vọng, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu. Dẫn đến nhiều cô chán đời, trượt đốc với suy nghĩ “không còn gì để mất” nên sống buông thả, gây ra nhiều tệ nạn xã hội. Trẻ em sinh ra bị bỏ rơi, tỷ lệ nạo phá thai tăng lên...
Vì thế, dù cuộc sống có hiện đại mấy đi chăng nữa, thì quan niệm “cho để buộc” vẫn không thể đem lại điều hạnh phúc cho phái nữ. Hãy biết sống tích cực và lành mạnh, điều gì đến sẽ đến. Trong tình cảm cũng vậy, bạn gái trẻ hãy biết dung hòa giữa tình yêu và đam mê thể xác. Có như thế mối quan hệ mới bền vững.
Theo 24h