Dan Sayer, 24 tuổi, một bệnh nhân tại Anh chia sẻ trên DailyMail rằng anh đã mắc căn bệnh này từ hơn 1 năm trước, khi mới cưới vợ.
Hai vợ chồng có thể “quan hệ” tới 3 lần mỗi đêm, nhưng khi tỉnh dậy Dan hoàn toàn không nhớ được gì. Vợ anh, Anita, cho biết khi cô cố gắng hỏi chuyện anh trong đêm, đáp lại luôn chỉ là sự im lặng và một cái nhìn trống rỗng. Chồng cô thực chất vẫn đang “ngủ” trong khi làm chuyện ấy.
Theo các bác sĩ, Dan được chẩn đoán mắc bệnh “Sex mộng du”, một hội chứng khiến người bệnh có thể hưng phấn và thậm chí “lên đỉnh” trong lúc ngủ, nhưng khi tỉnh dậy, toàn bộ ký ức của họ chỉ là một vùng trắng. Phần lớn bệnh nhân đều không thể kiểm soát được những việc họ làm trong đêm và ba phần tư số bệnh nhân là nam giới, các nhà nghiên cứu cho biết.
Dan cho biết bệnh của anh tái diễn theo chu kỳ 2 tuần/lần và đôi khi có thể kéo dài liên tục trong nhiều đêm. Không có bất cứ quy luật nào và cũng chẳng có lý do rõ ràng vì sao chuyện ấy lại xảy ra vào đêm này chứ không phải đêm khác.
Theo thống kê, ở Anh hiện có khoảng 4% số người trưởng thành bị bệnh “Sex mộng du” với nhiều cấp độ khác nhau. Y học hiện đại phát hiện được căn bệnh này lần đầu vào thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng phải đến năm 2003, dư luận mới chú ý đến “sex mộng du” sau bài báo trên Tạp chí Tâm thần học Canada. Sex mộng du được xếp chung vào bệnh mộng du, khi người bệnh có thể làm đủ việc như đi bộ, trò chuyện, giặt là, nấu bếp... trong lúc họ vẫn đang ngủ.
Hậu quả của stress?
Giáo sư khoa Thần kinh học Matthew Walker của Bệnh viện Thần kinh Quốc gia London cho biết, sex mộng du thường xảy ra trong nửa đầu của đêm, khi người bệnh đang trong trạng thái ngủ sâu.
“Khi ấy, phần tư duy, nhận thức của não đã được tắt đi. Nhưng phần não phụ trách những nhu cầu cơ bản như ăn uống, quan hệ... vẫn làm việc”, Giáo sư Walker giải thích.
Có một số đặc điểm ở căn bệnh này mà các nhà nghiên cứu đã tổng kết được: nó chỉ xảy ra khi người bệnh nằm chung giường với vợ/bạn tình chứ không có chuyện họ tỉnh dậy và đi “săn” nạn nhân. Bệnh thường xảy ra trong những giai đoạn người bệnh bị stress hay chịu ảnh hưởng của rượu, thuốc kích thích, người bệnh trước đó đã từng bị mộng du. Đáng chú ý nhất, tỷ lệ nam giới mắc bệnh vượt hẳn so với phái yếu.
Phương pháp hạn chế, theo Giáo sư Walker, là bệnh nhân phải luyện tập để có được giấc ngủ sâu, “có chất lượng”. Phòng ngủ không có ánh sáng và không ồn ào, không uống cà phê sau 4 giờ chiều, không uống rượu trước khi ngủ, luôn ngủ đủ giấc bởi việc thiếu ngủ, mất ngủ thường xuyên cũng có thể gây rối loạn hành vi. Các liệu pháp chống stress cũng có thể giúp ích. Tuy nhiên với những ca nặng, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc.
Theo VietNamNet/DailyMail