Tiểu đêm là một rối loạn tiết niệu gây nhiều phiền toái. Nam giới lẫn phụ nữ đều có thể mắc phải chứng này. Tiểu đêm thường gặp ở người lớn tuổi nhưng nhiều người trẻ cũng bị chứng tiểu đêm. Tiểu đêm dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn nhiều lần và hậu quả là giảm đáng kể khả năng hoạt động, sức khỏe cũng như chất lượng sống.
Mất ngủ không chỉ gây ngủ ngày mà còn làm giảm các chức năng hoạt động vào ban ngày như: giảm sự tỉnh táo và chú ý, suy giảm nhận thức và trí nhớ, rối loạn tính tình, giảm hiệu quả công việc, mất sức khỏe, không thỏa mãn với cuộc sống và giảm năng suất làm việc, tăng nguy cơ té ngã, tăng tai nạn giao thông và nghề nghiệp, tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tiểu đường, giảm đáp ứng miễn dịch, tăng nguy cơ trầm cảm, tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.
Theo Hội Nghiên cứu Giấc ngủ của Mỹ, mất ngủ gây hơn 100.000 tai nạn giao thông hàng năm với khoảng 1.500 người tử vong.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân thường gặp của tiểu đêm ở phụ nữ là: đa niệu về đêm, tăng hoạt động cơ chóp bàng quang, giảm dung tích bàng quang, bệnh tim mạch mất bù, đái tháo đường không điều trị tốt hoặc đái tháo nhạt, giảm estrogen, khát nhiều và uống nhiều, rối loạn tâm lý/giấc ngủ…
Nguyên nhân gây tiểu đêm có thể khác nhau giữa người này với người khác, nhưng cũng có thể có nhiều nguyên nhân phối hợp trên cùng một người. Tiểu đêm ở nữ giới thường được cho là do bàng quang tăng hoạt động. Khoảng 62% phụ nữ tiểu đêm do bàng quang tăng hoạt động có kèm hiện tượng đa niệu về đêm.
Những quan niệm sai lầm
Một số người có những suy nghĩ lệch lạc về tiểu đêm như sau: tiểu đêm là hậu quả của gánh nặng tuổi tác, không nghiêm trọng để đi khám bệnh, không biết tiểu đêm có thể điều trị được, ngượng ngùng phải bày tỏ với người khác, chi phí điều trị quá tốn kém…
Một số bệnh nhân được điều trị theo hướng làm tăng khả năng chứa đựng của bàng quang. Điều trị như thế không hiệu quả ở đa số bệnh nhân vì tiểu đêm thường gây ra bởi tình trạng đa niệu, một chứng bệnh gây ra sản xuất nước tiểu quá nhiều.
Làm thế nào để phát hiện đa niệu về đêm?
Nhật ký đi tiểu là công cụ được khuyên sử dụng thường xuyên để xác định tiểu đêm là hậu quả của tình trạng sản xuất nước tiểu quá độ về đêm hay chỉ là đi tiểu nhiều lần, mỗi lần lượng nước tiểu ít (do giảm khả năng chứa đựng của bàng quang) hoặc phối hợp cả hai yếu tố này.
Nhật ký đi tiểu là ghi chép lại số lần đi tiểu trong 24 giờ, lượng nước tiểu trong mỗi lần tiểu. Lượng nước đã uống cũng cần được ghi lại.
Tiểu đêm được điều trị như thế nào?
Nếu có đa niệu, desmopressin, một hóa chất tổng hợp có cấu trúc giống như nội tiết tố kháng lợi niệu của cơ thể, sẽ là phương tiện điều trị đầu tiên đối với bệnh nhân tiểu đêm do đa niệu về đêm. Có thể dùng thuốc này phối hợp với các thuốc và phương tiện điều trị khác nếu có các bệnh lý khác phối hợp như: phì đại tuyến tiền liệt, bàng quang tăng hoạt động…
Theo Phụ Nữ TPHCM