Nỗi khổ lấy được vợ đảm

lananh |

Bữa ăn nào cả nhà cũng bị tra tấn bởi tiếng quát của Hoài, nào là cơm vãi, bột vãi, nào là miệng bẩn, mũi bẩn, nào là rơi thìa, rơi đũa...

Lần đầu tiên Bình cùng đám bạn đến thăm gia đình Hoài, anh sửng sốt khi thấy nhà Hoài sạch như li như lau, không có một vết bụi.

Nhà Hoài cách hồ Gươm 20km, thuộc vào diện nhà quê, vậy mà khu vườn trồng cây ăn quả rộng cả nghìn mét gốc cây nào cũng sạch trơn, không có một cái lá rụng, không có một ngọn cỏ thừa. Trên cây không có cành khô héo, lá cứ xanh mơn mởn, đẹp như tranh vẽ. Bình không thể tưởng được có cái vườn nào sạch như thế, gọn như thế.

Anh tủm tỉm nghĩ đến căn phòng ngổn ngang như bãi chiến trường của mình mà thầm ao ước: Giá cô nàng này là vợ mình thì tốt biết mấy!

Hoài không chỉ sạch mà còn rất đảm, rất chu đáo. Mỗi lần đi picnic, Hoài đều phụ trách phần ăn uống. Hoài không mua đồ ăn sẵn mà cô tự làm lấy (cho rẻ mà lại sạch - Hoài bảo thế). Hoài biết khẩu vị của từng người trong hội để làm đồ ăn mang đi để ai cũng có món mình thích.

Hoài chu đáo từ cái tăm đến mảnh bạt ngồi. Bạn bè ai cũng bảo: “Đứa nào lấy được cái Hoài là tu mấy kiếp”.

Khi Hoài “chấm” Bình thì khối thằng bạn ganh tị, ấm ức, tiếc rẻ, còn Bình phổng cả mũi.

Những bà cô, bà bác khó tính nhất của họ nhà Bình cũng phải bảo: Ngày nay tìm được đứa con gái như vợ thằng Bình chẳng khác mò kim đáy biển...

Ai cũng nói Bình lấy được vợ đảm thật sướng. Có vợ đảm thì được ăn ngon, được ở sạch. Vợ đảm khéo chi tiêu, vun vén nên mình không phải lo lắng quá mức đến chuyện tiền nong. Vợ đảm biết chăm sóc, dạy dỗ con cái. Vợ đảm biết đối ngoại với hàng xóm, biết chu đáo với họ hàng, biết làm tròn bổn phận nàng dâu trong gia đình...

Nhưng cái gì cũng có giá của nó, chẳng ai có được hạnh phúc mà không phải phấn đấu, không phải khổ công gìn giữ, bảo vệ, không phải đổi một cái gì đó. Hoài đảm đang, ngăn nắp nên cô cũng yêu cầu Bình ngăn nắp, sạch sẽ.

Chẳng dễ dàng gì khi phải thay đổi cách sống, nếp sinh hoạt của mình nhưng vì tình yêu, vì sự bình yên của gia đình nên Bình cũng cố theo nề nếp của vợ. Song mọi cố gắng của Bình vẫn chẳng đạt yêu cầu của Hoài, vẫn cứ bị nhắc, bị trách luôn.

Bình đã cố hết sức mà vẫn bị chê trách đâm bực, thế là anh cứ ì ra (đằng nào mà chẳng bị nghe trách). Dần dần, Hoài trở nên lắm điều, khó tính, nói luôn mồm.

Có con, Hoài càng hay bẳn gắt hơn. Nhà có con nhỏ tránh sao khỏi bừa bộn, nó chơi suốt ngày, bầy bừa suốt ngày chỉ có đi ngủ mới thôi bầy. Vậy mà Hoài về đến nhà, nhìn thấy đồ chơi của con bầy ra nhà là cô la hét ầm ĩ, bắt dọn ngay.

Có khi chỉ là quả bóng, bộ xếp hình mà con đang chơi Hoài cũng bắt dọn. Con uống nước vãi vài giọt xuống sàn, Hoài hét ầm lên, bắt lau. Đi đến đâu Hoài cũng thấy khó chịu.

Đôi dép để cũng không ngay ngắn, cái áo cởi ra còn để tay trong tay ngoài mà trông được, có cái khăn mặt cũng không phơi cho tử tế để vạt dài vạt ngắn, quần áo bẩn đã nhắc bao lần mà vẫn để lẫn không nhớ chậu xanh là đồ tối mầu, chậu đỏ là đồ sáng mầu...

Hết quát tháo, lại đến ca cẩm. Hoài bảo, cô là ô sin không công, chồng thì vô tích sự... Bữa ăn nào cả nhà cũng bị tra tấn bởi tiếng quát của Hoài, nào là cơm vãi, bột vãi, nào là miệng bẩn, mũi bẩn, nào là rơi thìa, rơi đũa... 2 đứa con cứ nhìn thấy mẹ là sợ xanh mắt.

Có hôm, mấy bố con đang ngồi chơi, bỗng thằng lớn ôm ngay quả bóng đang chơi chạy ù vào buồng ngủ, vừa chạy vừa hô: “Mẹ về..., chết rồi, chết rồi, mẹ về...”.

Hôm khác, Bình lại thấy thằng anh quát con em: “Cất con búp bê ngay, không tao vứt ra sọt rác bây giờ”. Nó chống tay vào mạng sườn nhìn con em trừng trừng, quát to: “Bảo có nghe không? Còn ngồi ì ra đấy hả? Cứ bầy ra cho ai hầu...”.

Bình nghe đúng giọng của vợ. Thằng cu đang nói lời của mẹ nó, anh muốn kêu trời. Thì ra thằng con học được từ người mẹ đảm không phải là sự đảm đang, gọn gàng mà nó lại học thói quát tháo, lắm điều của mẹ.

Theo Thế giới Phụ nữ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại