Đó là một số băn khoăn của các quí ông sẽ được BS Nguyễn Thành Như - Khoa Nam học - Bệnh viện Bình dân TP HCM chia sẻ.
Tiểu đường và "chuyện ấy"
Tôi 40 tuổi, bị bệnh tiểu đường mới phát hiện được 3 tháng, dùng thuốc khoảng 1 tháng thì đường huyết trở về bình thường. Bác sĩ dặn hạn chế sinh hoạt tình dục (và có khả năng bị bất lực). Nhưng chuyện sinh hoạt tình dục của tôi vẫn bình thường (mỗi tuần 2 đến 3 lần). Như vậy tôi có gì khác thường không?- Nguyễn Hùng- Hòa Vang (Đà Nẵng).
Khoảng 70% bệnh nhân tiểu đường một ngày nào đó sẽ bị rối loạn cương, cho dù có điều trị hay không. Tuy nhiên, nếu điều trị sớm, khả năng bị rối loạn cương sẽ chậm xảy ra hơn. Nguyên nhân là tiểu đường làm hư hại các tiểu động mạch đến dương vật, thần kinh và mô cương. Trường hợp của anh, tiểu đường chưa gây ảnh hưởng đến chức năng cương. Nếu có thể quan hệ được thì anh cứ duy trì.
Tôi rất thích chơi thể thao. Với động tác mà cơ thể rơi từ trên cao xuống thì khi tiếp đất, tôi thấy nhói đau ở bộ phận sinh dục, cơn đau dữ dội kéo dài khoảng 10 đến 15 phút thì đỡ dần. Tôi bị bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị?- Văn Phú (Hà Nội).
Đó là do sự co thắt quá mức của cơ vùng đáy chậu như cơ nâng hậu môn, cơ ngồi hang, cơ hành hang. Hiện tượng này cũng giống như người bị vọp bẻ đau bắp chân. Điều này không gây ảnh hưởng gì, anh chỉ cần nghỉ ngơi 10 - 15 phút sẽ hết đau.
Sức khỏe của tinh trùng có đúng là phụ thuộc vào độ đậm đặc, màu sắc và độ dính? Tôi rất hay bị sưng bìu bên trái, mỗi lần như vậy nó căng lên khiến bụng tôi rất tức và đau, việc đi lại cũng không thoải mái. Mỗi lần như vậy kéo dài khoảng 2- 10 giờ. Tôi bị bệnh gì? Có nguy hiểm tới đường sinh dục không? Cách chữa trị thế nào?- Thành Huy (TP Nam Định).
Những yếu tố mà anh kể là những yếu tố vật lý của tinh dịch. Nó có thể ảnh hưởng chất lượng tinh trùng. Hiện tượng sưng đau bìu trái có thể liên quan đến một bệnh lý thường gặp ở nam giới là bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Bệnh này thường gây đau tức bìu và có thể ảnh hưởng xấu lên chất lượng tinh trùng. Cách chữa trị tốt nhất là vi phẫu thuật, cột các tĩnh mạch bị giãn. Sau mổ, đa số bệnh nhân hết đau và khoảng 70% trường hợp chất lượng tinh trùng hồi phục trở lại.
Tôi nghe nói trên thị trường có một số loại thuốc uống và cả dạng dán có thể làm tăng kích thước của dương vật, xin hỏi các loại thuốc này thật sự có tác dụng như quảng cáo hay không?- Nguyễn Hải (TP HCM).
Hiện nay, chưa có thuốc nào dù là thuốc uống, thuốc dán hay thuốc chích có thể làm tăng kích thước dương vật được. Anh đừng tin vào những lời đồn thổi mà tự ý mua thuốc để “rước họa vào thân”.
Băn khoăn ẩn - hiện
Em bị ẩn tinh hoàn từ bé, đến khoảng 13-14 tuổi thì đi mổ để phục hồi tại vị trí cũ nhưng đến giờ cục nằm bên tay phải vẫn chưa xuống hết (mới xuống được 1/2 vị trí của bìu. Liệu nó có ảnh hưởng gì đến việc sinh con không, vì bộ máy của em hoạt động vẫn tốt?- Phạm Tuấn Hà (Hà Nội).
Bệnh tinh hoàn ẩn dù có mổ đưa xuống bìu hay không cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý. Riêng về mặt sinh sản, sau phẫu thuật, đưa tinh hoàn ẩn xuống bìu thì chức năng sinh tinh có thể hồi phục. Muốn biết chắc chức năng sinh sản có bình thường hay không, bạn cần phải đến cơ sở Nam khoa để làm xét nghiệm tinh dịch đồ.
Bình thường thì "cậu nhỏ" của em vẫn cứng không sao cả. Nhưng khi chuẩn bị quan hệ thì nó lại… ỳ ra. Em lại chuẩn bị cưới rồi, làm sao đây?- Thế Việt (Đồng Hỷ- Thái Nguyên).
Trường hợp của bạn, y học gọi là rối loạn cương. Có nhiều khả năng bạn bị rối loạn cương do tâm lý hồi hộp quá. Nếu một dịp nào đó đủ cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" mà "cu tý" vẫn "im re" thì bạn nên đến bác sĩ. Theo kinh nghiệm của tôi thì qua một lần tư vấn, cộng thêm vài viên thuốc hỗ trợ, "xe" của bạn sẽ "đề" được, sau đó cứ thế mà nổ máy đều đều.
Khi đi tiểu tôi hay có hai làn nước tiểu (không đái buốt hoặc đái dắt). Xin hỏi bác sĩ hiện tượng này có ảnh hưởng gì tới sinh sản không?- Trần Hà (TP HCM).
Không ảnh hưởng. Nước tiểu hai làn có thể do có một nếp niêm mạc chắn ở lỗ tiểu. Nếu tinh hoàn sinh tinh bình thường và đường dẫn tinh thông thương giúp tinh trùng ra ngoài được thì việc sinh sản vẫn bình thường.
Không râu - "chuyện ấy" sẽ yếu?!
Tôi không có râu. Nhưng các bộ phận sinh dục phát triển bình thường. Tôi muốn biết tại sao? Cách chữa trị?- Trần Vân Long (22 tuổi, TP HCM).
Râu nhiều hay ít tùy thuộc vào yếu tố di truyền, gene. Vả lại râu nhiều hay ít không ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh lý của bạn.
Em 17 tuổi, "cậu nhỏ" phát triển bình thường, nhưng vùng kín vẫn “nhẵn nhụi” như em bé. Các thành viên nam trong gia đình em không ai như thế cả. Có cách nào cải thiện “tình hình”? Em xấu hổ lắm bác sĩ ơi.- Hữu Thiện (17 tuổi- Việt Trì).
Em hãy thử kiểm tra xem hai tinh hoàn của em có bé quá không. Nếu có thì em nên đến bệnh viện khám sớm (khoa tiết niệu-nam). Nếu chúng to bình thường thì em ráng chờ thêm 1 năm nữa xem. Có người do bẩm sinh, nhưng "sinh lý" thì vẫn khỏe không thua ai. Đáng tiếc là chưa có thuốc giúp "núi đồi" đỡ "trơ trọi" hơn.
Tôi quan hệ gần 5 phút là xuất binh, dù làm tiếp lần 2 thì tình hình cũng không khá hơn. Tôi cũng từng thử các phương pháp hỗ trợ, nhưng tình hình vẫn không khá. Xin bác sĩ lời khuyên- Kim Trọng (Hà Nội).
Thực ra với thời gian như thế, bạn cũng đâu có "tệ" gì! Được gần 5 phút là "đạt chỉ tiêu" rồi. Còn nếu bạn vẫn muốn duy trì phong độ lâu hơn thì có thể đến bác sĩ để tham vấn thêm. Thuốc chữa xuất binh sớm tuy chưa có nhưng một vài loại thuốc hỗ trợ, giảm hưng phấn với sự tư vấn của thầy thuốc có thể giúp bạn như ý.
Tôi 31 tuổi, lập gia đình 5 năm, bị hiếm muộn do tinh hoàn teo, không có tinh trùng. Bệnh của tôi có thể chữa được không và có ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt vợ chồng sau này không?- Hoàng Lân (Lào Cai).
Chữa vô sinh không có tinh trùng (y học gọi là vô tinh) là "món ruột" của các bác sĩ tiết niệu - nam khoa. Bạn không có tinh trùng có thể do tinh hoàn không sản xuất một tí nào cả (khi đó thì "chịu thua"), hay quá ít nên chúng chết hết trong quá trình đi ra ngoài; hoặc tinh trùng được sản xuất bình thường nhưng đường ống bị nghẹt.
Qua khám nghiệm kỹ lưỡng, đo kích thước tinh hoàn, định lượng chất FSh trong máu và nhất là qua sinh thiết tinh hoàn (có thể kèm thêm chụp ống dẫn tinh), bác sĩ sẽ biết bạn thuộc nhóm nào trong ba nhóm đã kể trên để có phương án điều trị phù hợp.
Nếu là tinh hoàn quá yếu, phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn vi phẫu đã giúp nhiều trường hợp tinh hoàn hồi phục lại. Nếu là tinh hoàn không sinh tinh thì vi phẫu thuật sẽ "lục lọi" tinh hoàn vẫn có thể tìm thấy những con tinh trùng còn sót đâu đó, để dành làm thụ tinh ống nghiệm. Bạn khoan hãy bi quan, nên đến bác sĩ chuyên khoa tiết niệu - nam khoa để khám càng sớm càng tốt.
Tại sao khi quan hệ xong, tôi thường bị đau ở sống lưng? -Nguyễn Thuần Thạnh (Vĩnh Long).
Cột sống lưng sống như bản lề cánh cửa. Khi quan hệ, động tác bẻ sống lưng liên tục có thể gây mỏi cơ lưng, tác động xấu lên các khớp đốt sống, vì vậy có thể gây đau lưng, nhất là với những người bị đau thần kinh tọa.
Bạn nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa về cột sống để phát hiện các bệnh liên quan đến thần kinh tọa. Tránh khiêng vác nặng để giữ cột sống lưng được khỏe. Nếu bạn thường xuyên bị đau lưng sau khi quan hệ, nên thử chuyển sang tư thế phù hợp hơn...
Theo Tiền Phong