Tôi năm nay 34 tuổi, là giáo viên, đã có một cháu gái 8 tuổi. Tôi đi khám tổng quát ở bệnh viện (tháng 5-2010) được chẩn đoán và điều trị "thay đổi sợi bọc tuyến vú", ra máu giữa kỳ kinh và bị vi khuẩn (có Hp).
Sau đó tôi đi khám lại (tháng 12-2010) thì phụ khoa bình thường.
Tháng 5-2011 tôi có thai nhưng khi thai 5 tuần thì ra 1 giọt máu bầm. Khi đi khám bác sĩ nói bị động thai và trên siêu âm phát hiện có nhân xơ tử cung 16mm. Sau khi uống thuốc 10 ngày và nằm nghỉ ngơi tại chỗ tôi đi siêu âm lại thì thai lưu và nhân xơ 21mm.
Tôi được chỉ định hút bỏ thai ngày 2-7-2011 và đến 6-8-2011 thì có kinh lại.
Sau khi sạch kinh , ngày 17-8-2011 tôi đi siêu âm bụng thì không phát hiện nhân xơ nữa.
Phụ khoa không viêm nhiễm nhưng vẫn còn bị vi khuẩn Hp gây rối loạn tiêu hóa (đang uống thuốc).
Vậy có phải tôi bị hư thai do nhân xơ không và sao không thấy nhân xơ nữa? Cô đỡ gần nhà nói rằng do tôi thiếu progesteron, có phải vậy không bác sĩ? Vậy tôi có cần điều trị gì không để dễ dàng có thai lại và nên điều trị ở đâu?
lediepan@
- Trả lời của ThS.BS Nguyễn Hồng Hoa - Phòng mạch Online:
Trường hợp của chị:
- Thai ngừng phát triển
- Có nhân xơ tử cung kích thước 2-4 cm.
Chị hỏi:
1. Tại sao sau nhiều lần siêu âm mới phát hiện nhân xơ tử cung: Vì nhân xơ tử cung kích thước nhỏ có thể bị bỏ sót trong quá trình siêu âm; mặt khác nhân xơ tử cung lớn dần khi có thai lớn lên cho nên hình ảnh trở nên rõ ràng để chẩn đóan.
2. Chị hỏi có phải nhân xơ tử cung gây thai ngưng phát triển. Điều này cho tới nay chưa có bằng chứng rõ ràng. Theo tác giả Peter và cộng sự (2007), thực hiện một nghiên cứu về nhân xơ tử cung và các vấn đề liên quan tới thai kỳ đã ghi nhận như sau:
U xơ tử cung dưới niêm mạc có tỉ lệ thụ thai thấp đáng kể, chủ yếu là do trứng đã thụ tinh khó làm tổ. Đối với nhân xơ trong cơ tử cung, tỉ lệ có thai cũng có vẻ thấp hơn nhưng có thể là do sẩy thai. Nhân xơ tử cung dưới thanh mạc thì không ảnh hưởng tới khả năng thụ thai.
Trong trường hợp của chị nhiều khả năng nhân xơ tử cung trong cơ tử cung nên có thể dễ gây sẩy thai chứ không liên quan tới thai ngưng phát triển.
3. Sau khi nạo thai, chị nên khám đánh giá lại vì nhân xơ tử cung sẽ nhỏ đi. Vấn đề điều trị nhân xơ tử cung sẽ không được đặt ra nếu như không có biến chứng khác đi kèm (như rong kinh rong huyết); hoặc khi nhân xơ tử cung được xác định là nguyên nhân gây chậm con, ví dụ nhân xơ nằm ở dưới niêm mạc.
4. Theo quan điểm của tôi, chị nên đi khám và điều trị bệnh tiêu hóa trước. Khi đã ổn định bệnh tiêu hóa, chị đi khám tại chuyên khoa phụ sản để kiểm tra lại tử cung, buồng trứng và làm các xét nghiệm về viêm nhiễm như Rubella, Cytomegalovirus… Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách để chị có con lại.
Theo Ths.BS Nguyễn Hồng Hoa
Tuổi Trẻ