Nguy cơ nhiễm khuẩn từ băng vệ sinh

havan |

Trước thông tin hơn 1.400 sản phẩm băng vệ sinh tampon của Kotex đang được thu hồi do nhiễm khuẩn, nhiều bạn đọc rất lo lắng.

Tạp khuẩn gây bệnh

Những sản phẩm bị thu hồi là lô hàng BVS tampon Kotex Bảo vệ cân bằng tự nhiên (Kotex Natural Balance Security) có số hiệu 18 và 36 được xuất đến một số bang của Mỹ trong thời gian từ 29/10 - 2/11.

Theo Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA), lô sản phẩm này đã dùng nguyên liệu có nhiễm loại vi khuẩn Enterobacter sakazakii, có thể gây nguy cơ nhiễm trùng âm đạo, đường tiết niệu, viêm nhiễm vùng chậu có thể dẫn đến tử vong.

Theo GS.TSKH Phùng Đắc Cam, khoa Vi khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, loài vi khuẩn Enterobacter sakazakii thực chất là loài tạp khuẩn. Chúng thường có trong không khí, đất và có khả năng gây nhiễm độc. Khi người bệnh bị chúng tấn công có thể có các triệu chứng như sốt, nôn mửa hoặc gây viêm. Đây là các biểu hiện khi bị loài vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây ra hiện tượng nhiễm trùng cho cơ thể.

Cũng theo vị chuyên gia này, BVS nhiễm vi khuẩn Enterobacter sakazakii có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo phỏng đoán thì nguyên nhân chính do quá trình sản xuất chưa đảm bảo. Ví dụ, vi khuẩn có thể xâm nhập trong quá trình làm vải, bông... sau đó quá trình sát khuẩn không chuẩn khiến vi khuẩn vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, loài vi khuẩn này cũng có khả năng kháng lại thuốc kháng sinh gây bất cập trong việc điều trị bệnh.

Nguy cơ sốc nhiễm độc

Mặc dù lô hàng bị nhiễm vi khuẩn Enterobacter sakazakii chỉ xuất hiện ở thị trường Mỹ, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ nhiễm khuẩn nói chung nếu sử dụng loại BVS này không đúng cách.

Theo FDA Hoa Kỳ, BVS tampon siêu thấm là một trong những nguy cơ ít nhiều gây nên hội chứng sốc nhiễm độc TSS - một chứng nhiễm độc toàn thân do vi khuẩn gây ra, có thể dẫn đến sốt cao, bất tỉnh, và suy giảm chức năng thận...

Chị Lê Thị Vui, cán bộ Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Sức khoẻ sinh sản và Sức khoẻ cộng đồng, Hội KHHGĐ Việt Nam cho biết, khi vi khuẩn gây viêm nhiễm ngoài âm hộ sẽ rất dễ dàng xâm nhập âm đạo và cổ tử cung. Vì vậy, ngay khi phát hiện các biểu hiện dị ứng, ngứa rát, mẩn đỏ, có dịch hôi, chị em cần dừng ngay việc sử dụng sản phẩm đó và đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, tampon chỉ thực sự an toàn khi bạn biết sử dụng đúng cách. Trước hết là cần thay tampon thường xuyên sau mỗi 4 giờ sử dụng hoặc sớm hơn khi có lượng kinh nguyệt ra nhiều, tránh tạo môi trường yếm khí cho vi khuẩn ở trong. Bởi bên trong âm đạo có rất nhiều vi khuẩn lành tính, không gây bệnh, những vi khuẩn này sống được trong môi trường thông khí từ bên ngoài.

Việc sử dụng tampon vô hình trung đã nút âm đạo lại, chặn đường tiếp xúc với không khí lưu thông từ ngoài vào âm đạo, tạo thành môi trường kín bí, khuyến khích các vi khuẩn yếm khí phát triển và gây bệnh. Các trường hợp nhiễm khuẩn quá nặng có thể gây nên nguy cơ sốc nhiễm độc TSS, hết sức nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Theo Bee/afamily

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại