Anh Trường (quận Tân Bình, TP HCM) kể: “Vợ tôi là ‘sếp phó’ ở một công ty lớn. Công việc quá nhiều áp lực khiến cô ấy luôn mệt mỏi. Nhiều lần tôi ‘muốn’ mà vợ tôi cứ lên giường là ‘rũ như tàu lá héo’. Tôi không thể ‘tấn công’ khi vợ mình không còn chút sức lực nào để ‘chiến đấu’ cả”.
Vẫn biết vợ mình vì quá stress với công việc nên lơ là chuyện chăn gối nhưng anh Trường vẫn lo lắng không biết có bị vợ “chê” chỗ nào không. Hoặc giả dụ vợ anh có “đánh chén” chỗ nào khác không. Anh rất muốn cải thiện tình hình này nhưng vẫn chưa biết phải làm sao. “Không lẽ lại bắt vợ nghỉ việc để ‘phục vụ’ mình? Hay là bảo cô ấy dập tắt ước mơ, từ bỏ hoài bão để rút xuống làm ‘nhân viên quèn’?” – anh Trường tâm sự.
Cùng cảnh ngộ thương vợ mà... xót cho mình là anh Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội). Anh Hùng mới 35 tuổi, còn vợ anh 32 nhưng “chuyện ấy” gần nửa năm nay rất “cô quạnh”. Nguyên do là vì vợ anh quá “mê mẩn” công việc. Chưa kể, thỉnh thoảng vợ có những chuyến công tác ngắn ngày bên Singapore hay Thái Lan khiến anh ở nhà chịu cảnh “nằm chờ” vò võ. Khi về đến nhà, vợ anh lại “vật” ra ngủ hoặc tranh thủ thời gian chăm con, không thì cũng miệt mài nâng cao thêm kiến thức chuyên môn.
“Nói thì lại bảo không biết thương vợ, thông cảm cho vợ. Còn không nói thì tôi thấy ấm ức quá. Liệu hôn nhân thế này kéo dài được bao lâu?” – anh Hùng than thở.
Ngày nay, không hiếm những người vợ “phờ phạc” vì lặn lội kiếm tiền. Từ đó, sức lực và tâm trí với chuyện phòng the cũng bị giảm sút. Trong khi nhiều người vợ than phiền vì chồng xao lãng “chuyện đó” thì cũng có không ít anh chồng ôm “ấm ức” lên giường.
Một số người vợ chủ quan, cho rằng thấy chồng không nói gì nghĩa là mình được thông cảm. Hoặc cho là vì mình quá vất vả nên phải được chồng thấu hiểu. “Chẳng may” chồng có “đòi” thì cũng có quyền từ chối chính đáng. Cũng có người vợ nghĩa đơn giản là: “Thôi, hôm nay ngủ, mai ‘bù’ cho chồng” nhưng đến “n lần mai” mà vẫn “bặt tăm”...
Một số người vợ lại chọn cách “gắng chiều chồng”. Kết quả là biến “chuyện ấy” như “thảm kịch” mà cả “người chiều” và “người được chiều” đều không hài lòng. Chưa tính đến hậu quả thê thảm hơn là người vợ “gắng” mãi thì trở nên mệt mỏi, lãnh cảm. Trong khi đó người chồng vì thấy vợ “không toàn tâm toàn ý” nên cũng ngán... tận cổ.
Giải pháp tốt nhất trong chuyện này là vợ chồng cần trao đổi cởi mở để biết cách điều chỉnh. Người chồng thông cảm cho vợ là tốt nhưng nếu không nói ra thì vợ cũng không biết lệch ở chỗ nào mà sửa. Bản thân người vợ cũng nên cân đối hài hòa chuyện công việc – gia đình (chăm con, chiều chồng). Nếu bớt được ít việc nào thì bớt, giảm được chút stress nào thì giảm... Sự “đánh đổi” này không phải là vô nghĩa, vì mất cái này nhưng sẽ được cái kia.
Theo Mevabe