Mẹ chồng cấm đi trăng mật

camnhung |

Vừa cưới hôm trước, hôm sau Hòa đã lên cơ quan. Thấy mọi người sửng sốt, cô nhấm nhẳng: “Mẹ chồng em không cho đi trăng mật”.

Bây giờ, chuyện đi hưởng tuần trăng mật đã trở thành đương nhiên sau các đám cưới. Thế nhưng vẫn có nhiều đôi “mếu máo”, ấm ức vì phụ huynh không cho đi.

“Không mật đường gì hết!”

Cơ quan Hòa ai cũng biết vợ chồng cô sẽ đi trăng mật ở Đà Nẵng. Thế nên hôm thứ 6 vừa rồi, ai nấy tròn mắt khi thấy Hòa đến công ty, trong khi họ vừa dự đám cưới cô tối thứ tư. Ngồi phịch xuống ghế, Hòa nhấm nhẳng: “Mẹ chồng bảo không mật đường gì hết, ở nhà cho nó tình cảm. Đã thế em đi làm”.

Đã qua mấy ngày mà Hòa vẫn không hết cảm giác uất ức. Cô kể, trước đám cưới bố mẹ chồng đã biết vợ chồng cô sẽ đi Đà Nẵng nhưng không bảo gì. Đến khi hai vợ chồng soạn đồ vào va li thì bà mẹ thủng thẳng bảo dâu mới phải ở nhà làm quen với mọi người, thăm hỏi họ hàng chứ mật đường cái gì. Hòa bảo đã đặt vé máy bay, mẹ chồng nói: “Đặt rồi thì hủy, mất chút tiền đấy còn hơn chúng mày tốn thêm mấy triệu tiền khách sạn, ăn chơi, quà cáp”.

Thấy ý mẹ kiên quyết, Hòa chỉ biết chạy về phòng, vùi mặt vào gối khóc sưng cả mắt. Cô bắt chồng sáng hôm sau lên Hà Nội cùng mình.Nàng dâu mới nói với mẹ chồng: “Sếp con biết không đi trăng mật nên bắt đi làm luôn, vì có một dự án gần hoàn thành gấp mà con là người làm chính”.

Cùng cảnh ngộ là Mỹ Hương, 25 tuổi, làm dâu đất Thạch Thất, Hà Nội. Khác chuyện của Hòa, bố mẹ chồng cô đã khuyến cáo ngay từ đầu là không trăng mật. “Thằng Hoàn tháng này kiêng xuất hành, chúng mày đi lỡ có chuyện gì thì sao. Thôi, chờ hè này đi nghỉ mát Tam Đảo với cả nhà luôn”. Hương méo mặt, dẹp giấc mộng nắm tay chồng trên các con đường Đà Lạt đầy hoa.

“Thật là vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn”, Hương hậm hực nói, “đến cả cái quyền đi hưởng tuần trăng mật cũng bị bố mẹ chồng cắt phéng đi”.

Cái lý của “các cụ”

Trong khi các nàng dâu tức phát điên về sự “vi phạm nhân quyền” đó thì không ít bà mẹ chồng cũng phàn nàn về chuyện trăng mật của các con.

“Bọn trẻ con bây giờ đua đòi quá. Thấy trên phim Tây nó trăng mật thì cũng bắt chước trăng mật”, bà Phúc ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc than thở. Con trai bà lấy vợ tháng trước, đôi tân hôn dự kiến đi Nha Trang, mẹ phản đối nhưng vẫn kiên quyết đi. Vì chuyện đó mà mẹ chồng giận nàng dâu một tháng vì “nó phải xui thì thằng bé mới cãi mẹ”.

Theo bà Phúc, thật vô lý khi “thằng bé” lương mỗi tháng có 7 triệu đồng, vợ “nó” cũng chỉ 5 triệu đồng, bố mẹ hai bên phải giúp đỡ rất nhiều để làm đám cưới, thế mà lại bỏ ra hàng chục triệu cho một chuyến đi chơi mấy ngày. “Hoang phí như thế rồi mai mốt đẻ con ra lấy gì mà nuôi? Lại khổ mấy cái thân già thôi”, bà Phúc than.

Ông Thạch, nhà ở thành phố Thanh Hóa, thì phàn nàn cả con trai và con dâu ông đều không biết nghĩ khi đòi đi trăng mật tận Vũng Tàu, ông có bóng gió khuyên ra Sầm Sơn vừa đẹp vừa gần mà không nghe. “Chúng nó thật ích kỷ. Bố mẹ năm ngoái làm ăn thất bát, giờ vẫn nợ nần. Các em còn đi học, tốn kém nhiều khoản. Chúng nó có tiền thì nên giúp bố mẹ một ít để nuôi các em, đằng này lại bỏ cả đống tiền đi chơi riêng”, ông Thạch phàn nàn.

Còn ông Thịnh ở Bắc Giang ngăn các con đi trăng mật không phải vì lý dokinh tế. Ông tâm sự: “Chúng nó đều đi làm ở Hà Nội cả, rất ít dịp về nhà, có về thì cũng đi ngay. Vì thế tôi mới bảo là cưới xong ở nhà ít bữa cho con dâu mới chào hỏi, làm quen với họ hàng, làng xóm, tình cảm trong nhà cũng gắn bó hơn. Chúng nó cứ bảo bây giờ chẳng ai cưới mà không đi trăng mật, một đời mới có một lần. Cứ làm như chuyện quan trọng cả đời người không bằng, đi chơi thì lúc nào chẳng được. Thế mà hai đứa cưới xong đi mất, bà nhà tôi cứ kêu là có dâu mới cũng như không”.

Nàng dâu “trả thù”

Thu Phượng, 28 tuổi, sống ở Thanh Xuân, Hà Nội, người cách đây hai năm từng khóc hết nước mắt vì tủi thân và oán mẹ chồng khi chuyến trăng mật của cô bị bà hủy bỏ, hớn hở kể: “Tớ đã trả thù được mẹ chồng tớ vụ đấy rồi”.

Cách trả thù của cô thực ra rất ngọt ngào. Số là cô em chồng sắp cưới chồng ở Thường Tín, chạy về “xả stress” vì chuyện mẹ chồng tương lai xúi con trai hoãn trăng mật vô thời hạn, để dành tiền ấy giúp mẹ trả nợ vì phải sửa nhà để cưới con. “Con bảo sẽ đi bằng tiền riêng của con nhưng anh ấy vẫn không đồng ý, bảo mẹ nói thế rồi mà đi cũng khó coi. Mẹ xem có mẹ chồng nào vô lý thế không?”. Vốn không coi chuyện trăng mật là quan trọng nhưng vì chiều con nên mẹ chồng Phượng cũng thấy oán thông gia. Còn Phượng đắc ý vì tin rằng bà có nhớ chuyện ngày xưa đã cản cô như thế nào.

Phượng góp ý với em chồng: “Chị có cách để em đi trăng mật rồi. Hôm cưới, trước mặt cả nhà trai, chị sẽ trao cho em một phong bì có vé máy bay và phiếu đặt phòng khách sạn, đó là quà cưới của anh chị, bố mẹ chồng em sẽ không thể nói gì được”. Cô gái sung sướng nhảy lên ôm cổ chị dâu cám ơn rối rít. Phượng xoa đầu cô em bảo: “Có gì mà cảm ơn, sau này em sẽ có nhiều dịp đi chơi riêng với chồng, nhưng trăng mật thì chỉ có duy nhất một dịp thôi, phải đi đúng sau cưới thì mới nhiều cảm xúc và ý nghĩa”.

Nói xong, Phượng để ý thấy mẹ chồng có vẻ bối rối và ân hận, nhưng lạ thay lúc đó cô không còn hận bà nữa. Cô cũng không muốn em chồng phải nếm trải nỗi buồn tủi của mình, vì cho dù người lớn có lý của họ, nhưng không được hưởng tuần trăng mật vẫn là sự thiệt thòi và nỗi buồn của cô dâu.

Theo Báo Đất Việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại