1. Tốt nghiệp đại học, Vân không trở về quê mà chọn con đường ở lại thành phố tìm kiếm cho mình một tương lai tốt đẹp như cô hằng mong ước. Quê nhà cô, nơi gió Lào cát trắng, mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” thì một cử nhân như cô làm sao có cơ hội khẳng định mình. Nhưng việc ở lại thành phố cũng đâu dễ dàng.
Sau gần 2 năm trầy trật xin việc, chuyển hết công ty này đến công ty khác, Vân vẫn phải sống lay lắt với đồng lương hạn hẹp và một công việc bấp bênh.
Mối tình sinh viên với bao mộng đẹp cũng theo cuộc sống khốn khó đó mà vỡ tan tành. Vân bắt đầu thay đổi suy nghĩ: Sao mình lại phải khổ sở như thế?
Mình vừa có học vấn lại có nhan sắc, tại sao lại không biết tận dụng? Vân đã ngã vào vòng tay tình ái của một người đàn ông bằng tuổi cha chú, chấp nhận làm bồ nhí ông ta để có được cuộc sống nhàn hạ, sung túc.
Để chiều lòng cô nhân tình trẻ tuổi, ông ta sẵn lòng bỏ tiền thuê cho Vân một căn hộ chung cư cao cấp, những dịp lễ, sinh nhật không quên tặng cô những món quà đắt tiền và chu cấp cho cuộc sống của cô đầy đủ.
Mỗi tuần, ông ta tranh thủ ghé qua chỗ cô vài buổi, cùng cô ăn cơm tối rồi chưa đến khuya đã phải lập cập ra về vì sợ bị vợ phát hiện. Cũng có lúc ông ta qua mặt được “sư tử Hà Đông” ở với cô đến sáng hôm sau.
Cuộc sống “già nhân ngãi non vợ chồng” đã biến Vân thành một con người khác hẳn, từ một cô gái xinh xắn, hoạt bát, dễ thương, Vân ngày càng trở nên trầm tính, bất cần và ít nói.
Đôi khi, cô lại chạnh lòng, thấy tủi nhục ê chề trước những lời đàm tiếu, ánh mắt soi mói của dư luận, đôi khi phấp phỏm sợ hãi, ăn năn hối hận vì mình là kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc của một người đàn bà khác.
Tuy vậy, nghĩ đến cuộc sống khốn khó trước mắt, cô lại không đủ can đảm để bước ra khỏi con đường tăm tối mình đang đi.Và hơn hết, cô sợ mọi việc đã quá muộn, sẽ chẳng có người con trai nào đủ bao dung, độ lượng để chấp nhận một người con gái xấu xa, hư hỏng như cô. Cô đã tự gây ra cho mình một vết thương tinh thần quá lớn.
2. Không giống như Vân, Hằng sinh ra trong một gia đình khá giả và có nề nếp. Vốn học khá, lại là người có ý chí phấn đấu nên sau khi ra trường cô không quá khó khăn để xin được một công việc ổn định, thu nhập đảm bảo cho cuộc sống. Cứ ngỡ cô chỉ cần yêu và lấy một tấm chồng nữa là mọi thứ quá yên ấm, hoàn hảo.
Ấy vậy, người ta lại thấy cô “cặp” và chung sống như vợ chồng với một người đàn ông đứng tuổi. Nghe đâu người đàn ông ấy đã có vợ con dưới thành phố, vì công việc kinh doanh nên một, hai tháng ông ta lại lên Đà Lạt làm việc và đến ở với Hằng.
Ngỡ Hằng chỉ nhất thời yêu đương mù quáng, rồi sẽ sớm tỉnh ngộ thôi, nhưng khi cô mang thai và sinh con với người đàn ông ấy thì mọi người thật sự sốc.
Có người bảo cô dại, có người bảo cô tham tiền, muốn người đàn ông kia mua nhà cho mình nên mới chấp nhận sinh con, còn cô lại thản nhiên như không: “Em thừa biết ông ta đã có vợ con, em cũng biết ông ta chẳng thật lòng yêu thương em, em chỉ là nơi sưởi ấm cho ông ta mỗi lần công tác ở thành phố lạnh lẽo này nhưng em chấp nhận tất cả. Em không tin lắm vào cái gọi là tình yêu, lấy nhau về rồi cũng tan vỡ, chi bằng cứ sống thế này cho thoải mái, ai có cuộc sống của người ấy, và em có một đứa con của chính mình, thế là hạnh phúc rồi”.
Không hiểu sao Hằng lại có suy nghĩ như vậy?
Tương lai của mình, cô có thể không nghĩ tới.Nhưng còn con cô, phải lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, liệu nó có được chăm sóc, yêu thương, giáo dưỡng đủ đầy?
Liệu khi biết sự thật về cha mình, về hoàn cảnh mình được sinh ra, nó có cảm thấy tổn thương và oán hận cô?
Theo Thế giới phụ nữ