Nguyệt – một người đàn bà theo nhận xét của nhiều người là tài năng, đoan trang, mặn mà và quyến rũ. Ra đường không ít những ánh nhìn ngưỡng mộ có, khiếm nhã có về nàng. Ai nhìn vào gia đình của người đàn bà này đều thầm ghen tị. Vợ xinh đẹp là thế, sắc xảo là thế mà chồng chẳng kém cạnh gì. Tuấn – một người đàn ông khỏe mạnh, đẹp trai, chủ một doanh nghiệp cỡ vừa về xây dựng. Nhưng chỉ mình Nguyệt mới biết, mình đang sống trong một gia đình như thế nào.
Tuấn có hình thức đẹp và luôn tỏ ra yêu chiều vợ nhưng thực chất lại là một người đàn ông nhạt nhẽo và vô cảm. Hai vợ chồng đi làm về, chẳng nói chẳng rằng. Những câu chuyện nhàm nhàm hàng ngày diễn ra như công thức chung cho họ. Mỗi người mỗi việc, ăn cơm ngoài, sau đó trở về nhà, họ lại ra một góc riêng và dính đến máy tính, mỗi người một thế giới.
Nhưng chỉ mình Nguyệt mới biết, mình đang sống trong một gia đình như thế nào (Ảnh minh họa)
Nguyệt ngẫm lại và tự hối hận khi quyết định đến với anh quá dễ dàng như một kết thúc tất yếu của sự vội vàng. 3 năm sống với chồng là từng ấy năm đối với chị như cực hình, phung phí tuổi trẻ bên khúc gỗ sơn đẹp không hơn không kém.
Tuấn đến với Nguyệt chỉ như tìm kiếm một món đồ trang sức, tô điểm thêm cho cuộc sống đã được lập trình sẵn của mình. Gia đình bề thế, bao bọc anh trong nhung lụa từ bé, sản phẩm của sự nuông chiều là một chàng công tử chỉ biết yêu chính bản thân mình.
Nguyệt bước vào gia đình anh như một sự sắp đặt của số phận, và cuộc đời Nguyệt trở nên ngang trái đến nực cười. Một cuộc hôn nhân không tình dục.
Quá nhiều cung bậc cảm xúc trong 3 năm qua. Từ bất ngờ, hụt hẫng, đau khổ, chán nản và hiện tại với Nguyệt là vô cảm.
Gia đình này quá lạ với tất cả những gia đình khác mà cô từng biết. Nếu như những đôi vợ chồng son khác hầu như ngày nào cũng gần gũi nhau, hoặc cùng lắm là hai lần mỗi tuần, thì hồi mới cưới họ cùng lắm là 2 lần trong ba tháng. Và bây giờ, có khi năm tháng anh mới động đến Nguyệt 1 lần, lần nào cũng chỉ như nghĩa vụ hoặc do nàng chủ động.
Có những lúc Nguyệt cố gắng khiêu khích chồng nhưng đều vô ích. Cô quá chán nản nhìn chồng lắc đầu đầy bất lực “Anh mệt mỏi lắm, xin em đấy”.
Một ngày không đẹp trời, cô đã đề nghị ly dị, nhưng anh lôi bố mẹ ra làm vật cản. Bố mẹ Nguyệt cũng như bố mẹ chồng đều là những người có địa vị xã hội, và rất coi trọng nếp gia đình, họ sẽ không chịu nổi cú sốc quá lớn này. Nguyệt im lặng.
Sau khi có con, cảm giác sai lầm ngày càng lớn rõ rệt, Nguyệt ngày càng cảm thấy khó thở với cuộc sống hiện tại, con trai nhỏ bé của họ bỗng chốc trở thành vật cản khổng lồ cho cuộc ly hôn mà Nguyệt đang hằng đêm nung nấu...
Nàng đã quá mệt mỏi. Cuộc sống với cô như sắp vỡ tung ra thành nghìn mảnh. Thương con bao nhiêu, Nguyệt càng thấy tội nghiệp mình khi cứ phải đối diện với tấm lưng lạnh lẽo của chồng hàng đêm.
Đói thành quen
7 tháng chồng đi công tác về, hăm hở đòi ‘yêu’ nhưng Hằng vẫn dửng dưng. Cô thấy ham muốn của mình xuống dốc và chai sạn đi nhiều. Lấy chồng được hơn 2 năm nhưng số lần gặp gỡ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hằng xa chồng, nhịn lâu thành quen.
Thắng, chồng Hằng cưới vợ xong, công ty điều đi sang Lào công tác. Đợt công tác này không đơn thuần là lễ ký kết như bao lần mà Thắng phụ trách một nhóm kỹ thuật sang đó nghiệm thu công trình. Công trình này kéo dài hơn 4 năm.
...Khiến cô… hụt hẫng nhiều khi muốn phát điên (Ảnh minh họa)
Thời gian đầu, anh xã về là vợ chồng quấn quýt lấy nhau, không một phút rời. Nhưng gần đây, Hằng đã thay đổi, chẳng còn cảm hứng gần gũi chồng nữa. Những ngày thấp thỏm mong chờ, chờ đợi, lâu quá hóa quen.
Hằng đã quen sinh hoạt một mình. Sự cô đơn, khao khát ban đầu còn khiến nàng mệt mỏi thì đến giờ là cảm giác nhạt nhẽo. Chưa kể, nhiều lần chồngbáo“sẽ về” nhưng phút cuối lại hủy khiến cô… hụt hẫng nhiều khi muốn phát điên.
Nên cứ hễ khi nào chồng “mời chào” là y như rằng nàng cáo “đèn đỏ”.
Cùng cảnh với Hằng, chồng Trà vốn “yếu” nên lười. Có khi, Trà đếm đúng 3 tháng tròn, chồng mới “tơ tưởng” tới vợ. Cô có chủ động thì chồng tế nhị quay lưng. Phần vì tự ái, phần vì quen, Trà chiều theo thói quen “giao ban” ít ỏi của chồng. Ban đầu, Trà cũng khóc lóc, than trách, nghĩ chồng mình có bồ mà bỏ rơi vợ. Mãi sau, cô mới biết, nhu cầu của chồng chỉ có thế. Nếu ví chuyện gối chăn với việc ăn cơm thì Trà đã “đói” suốt 2 năm tròn. Những lúc gần chồng ít ỏi, cô cũng không được thoả mãn.
Những phút “gần” chồng của Trà vô cùng tẻ nhạt. Cô không có cảm giác thích mà cứ nằm đơ như khúc gỗ. Cựa quậy một chút là chồng “xuất” ngay. Bây giờ, Trà không băn khoăn nhiều về chuyện đó. Với Trà, gần chồng vài tháng là chuyện bình thường.
Hôn nhân không thể không có “chuyện đó”
Chia sẻ với Eva về vấn đề này, cô Tâm Thanh (Trưởng phòng tư vấn sức khỏe giới tính thành phố Hà Nội) cho hay. Chồng dửng dưng đều khiến người vợ tủi thân, buồn khổ. Không ít chị em chọn cách im lặng, sống chung với lũ. Cũng có người trao đổi với chồng nhưng không dám nói thẳng, sợ chồng buồn, tự ái. Người vợ tự ôm nỗi buồn, dằn vặt bản thân hoặc có suy nghĩ tiêu cực như cặp bồ, bỏ chồng, ý muốn huỷ hoại, buông thả bản thân…
Cam chịu hoặc kiếm người đàn ông khác thay thế không phải là giải pháp. Hãy tập trung vào vấn đề chính là chuyện phòng the của anh xã.
Nhớ rằng trong cuộc sống vợ chồng nếu tình cảm không được vun vén sẽ dẫn tới cảnh “đóng băng” tình dục. Cách cư xử của vợ dành cho chồng (và ngược lại) hàng ngày cũng rất quan trọng. Nếu bị vợ coi thường, căn vặn, khinh rẻ, mỉa mai... người chồng sẽ bị tổn thương lòng tự trọng. Tức khắc, họ cũng sẽ đóng cửa “tình dục” và đè nén dẫn tới thui chột ham muốn.
Hãy thử trao đổi thẳng thắn với chồng. Đối phương sẽ cởi mở hơn nếu người vợ biết cách chia sẻ. Nên nhớ, tâm sự phải chân thành, tích cực chứ không phải oán trách, hờn giận chồng. Người bị “bệnh” cũng đau buồn, u uất chẳng kém. Anh nào cũng muốn “oai phong lẫm liệt” trước vợ, có anh nào muốn mình “kém” đâu. Đồng thời, có thể tìm tài liệu, sách báo cùng khéo léo gợi chuyện với chồng. Sau đó, vận động chồng đi khám, tìm nguyên nhân và cách điều trị.
Theo Hà Hương
Eva.vn