Ở ĐH, Trung và Hồng (Nam Đồng, Hà Nội) được coi là một cặp kỳ dị: chàng cao lớn, khôi ngô, hiền lành, cởi mở; nàng thấp, tròn như hạt mít, tóc trụi lủi, mặt mũi, phong thái và cách ăn nói đều như con trai. Họ quen nhau trên sân bóng, khi chàng là cầu thủ còn nàng là cổ động viên của khoa. Trung thích Hồng vì tính phóng khoáng. Họ kết bạn như hai thằng con trai, ngày nào cũng kè kè từ giảng đường ra sân bóng, quán cà phê, thậm chí quán nhậu..., rồi dần dần yêu nhau, ra trường một năm thì cưới.
Đám bạn Trung vốn khoái Hồng, vì cô giao du rất thoải mái với họ, không gây phiền nhiễu như những cô người yêu khác. Thế nhưng khi biết Trung sẽ cưới cô thì nhiều gã lại dèm pha: “Trời ơi, tao tưởng mày chỉ yêu đương vớn vẩn. Nó xấu quá, kiểu gì về sau mày cũng chán cho mà xem”, hoặc: “ Đẹp trai thế kia mà lấy nó, không sợ người ta cười à?”... Trung chỉ nhe răng ra cười, chẳng nghĩ ngợi gì. Nhưng sau khi cưới, lập trường của Trung mỗi ngày lại lung lay một ít.
Thực ra, đám đàn ông bạn Trung không hề ác ý, họ chỉ thích trêu nhau nên hễ có dịp là họ đưa nhan sắc của Hồng ra chọc quê Trung , rồi cười ầm ĩ. Dần dần, Trung đâm cú, cảm thấy mất mặt. "Rõ ràng vợ mình xấu, biết cãi thế nào. Mà nếu vặc lại, chúng nó càng trêu già, quát lên càng ê mặt vì chúng nó sẽ bảo chỉ đùa thôi, làm gì nóng thế". Nghĩ vậy, Trung đành ngậm bồ hòn làm ngọt, ôm hậm hực trong người,. về nhà, nhìn thấy vợ, tự nhiên anh tức giận. Bới lông tìm vết để hạch sách vợ đủ điều. Trung bảo: “Đàn bà con gái gì mà tóc tai trụi thùi lụi thế, em cứ phải lôi thôi, xấu xí thì mới là vợ đảm à?”.
Ảnh minh họa
Ngạc nhiên và tự ái nhưng rồi Hồng cũng chú ý làm đẹp, chịu khó điệu đà hơn. Trung hài lòng với sự thay đổi của vợ, nhưng đám bạn vẫn chẳng tha, vì quần áo dù sao cũng không biến Hồng thành mỹ nhân được. Trung biết nếu vẫn cằn nhằn vợ vì nhan sắc thì vô lý, nhưng nỗi bực bội chẳng biết trút vào đâu, nên anh tìm hết cớ nọ đến cơ kia để vặn vẹo chê bai Hồng. Trung cũng đâm ngại gặp bạn bè, lần nào gặp là về nhìn thấy vợ lại muốn gây sự, dù bản thân anh không thấy trái mắt với sự xấu của Hồng.
Còn anh Ngọc (Thanh Hóa) thường bị đám bạn “góp ý” về sự vụng về của vợ. Hương vợ anh rất xinh, dịu dàng, chu đáo, phải tội không khéo nội trợ. Có chồng, chị cũng chịu khó học hỏi chuyện bếp núc, nhưng vụng vẫn hoàn vụng. Ngọc không khổ sở vì chuyện này vì anh thuộc loại dễ ăn, vả lại lấy nết nọ bù nết kia thì Hương rất “ổn”. Nhưng anh không chịu được những lời bình phẩm của bạn.
“Lát xong việc nhậu nhé? Sao lại không? Ăn ngon không thích lại muốn về ăn cơm khê canh mặn của cô nàng khéo léo nhà mày à?”. “Này Ngọc, hôm nào rủ bạn bè tới nhà nhậu một bữa chứ nhỉ. Có dám không? Cho vợ nó tiến bộ”. “Tao nói thật, đàn bà mà không biết nấu nướng thì đẹp mấy cũng vứt, mày về bảo vợ xem lại đi”… Ngọc biết trong những đứa bạn hăm hở trêu anh nhất có người vốn ghen tị với anh vì có vợ đẹp, nên cứ thích xoáy sâu vào nhược điểm của Hương cho hả dạ. Thế nhưng anh vẫn không thể không nóng mặt, những bực bội, anh về trút hết lên vợ.
“Cô làm tôi xấu mặt quá. Đàn bà mà không biết bếp núc thì có đáng gọi là đàn bà không?”, Ngọc hầm hầm nói. “Em cũng cố mà không khéo được đấy chứ, có phải em không chịu khó đâu”, Hương phân bua. “Thì thế mới không hiểu cô thuộc loại đàn bà gì, thế mới khổ tôi”. Chuyện này khiến Hương đâm ghét các bạn chồng. "Bạn bè chẳng nói vào thì thôi, lại cứ đâm bị thóc chọc bị gạo cho vợ chồng người ta bất hoà".
Cần bản lĩnh đàn ông
Đàn ông hay sĩ diện với bạn, mà chuyện vợ con là một trong những yếu tố quý ông hay đem ra so sánh, một cách ngấm ngầm hoặc công khai. Vì thế nếu vợ mình bị bạn bè chê bai, những anh chàng kém bản lĩnh rất dễ “nóng mặt”. Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà giải thích như vậy về phản ứng của những người đàn ông như Trung và Ngọc. Theo bà, họ thực ra có thể không “lăn tăn” về khuyết điểm của vợ, vẫn biết là vợ mình có những ưu điểm khác bù vào, nhưng bị bạn chê trước mặt mọi người thì rất cay cú, xấu hổ, không biết đối đáp ra sao nên dẫn đến tâm lý oán trách, chán ngán vợ. Từ đó, họ về nhà đá thúng đụng nia, gây sự với bạn đời.
Theo chuyên gia Hồng Hà, người vợ dĩ nhiên nên tìm cách hoàn thiện mình, nhưng thực tế không phải nhược điểm nào cũng khắc phục được, vả lại vợ chồng cần chấp nhận sự không hoàn hảo của nhau. Vấn đề chính ở đây là người chồng nên điều chỉnh các phản ứng của mình.
“Họ phải có bản lĩnh, đừng bị lung lay bởi lời dèm pha của các ông bạn. Tốt nhất là nghĩ trước những câu đối đáp để cho đám bạn "tắt đài". Chẳng hạn, với anh bị chê vợ xấu, có thể bảo: "Ừ vợ tôi xấu nhưng cái gì cũng giỏi, tớ đố vợ ông nấu ăn ngon được như vợ tôi". Cái chính là đừng tỏ ra cay cú hay nao núng, thậm chí vẻ nhơn nhơn, tự hào khi nói về vợ sẽ khiến đám bạn dần hết hứng trêu ghẹo, ngay cả những người dèm pha do có ý xấu cũng phải thôi”, bà Hồng Hà nói.
Đó cũng là cách mà anh Phúc, Thanh Xuân, Hà Nội, áp dụng cho đám bạn của mình. Chàng kỹ sự xây dựng này kết hôn với một cô gái bán thịt lợn “gia truyền”, và nghề của cô thành đề tài đàm tiếu, chê bai của đám bạn Phúc. Hồi đầu, Phúc bực, nhưng anh biết càng cáu, bạn càng trêu già nên nghĩ trước cách đối phó. “Này cậu, đêm về cậu với cô vợ bán thịt nói chuyện gì với nhau được, chả lẽ nói về thịt lợn?”, một anh bạn chọc ngoáy. “Thì nói về thịt lợn chứ sao”, Phúc thản nhiên, “Các cậu không biết được đâu, riêng con lợn đã vô số chuyện hay rồi”. Thế là Phúc thao thao bất tuyệt về… lợn, với nhiều “thuật ngữ chuyên ngành”, khiến đám chiến hữu từ chỗ buồn cười chuyển sang há mồm ra nghe.
Lần khác, trong buổi nhậu, khi Phúc chê một món ăn có nguyên liệu không chuẩn, anh bạn “đá đểu” luôn: “Có phải ai cũng sành chọn thịt chọn lòng như cô vợ cậu, cậu sướng nhất rồi còn gì”. “Ừ, tớ sướng thật”, Phúc gật đầu ngay, rồi kể một tràng về cái sướng do vợ đem lại, từ ăn uống đến những chuyện khác. Dần dần, các bạn anh chẳng những hết hứng trêu chọc mà còn cảm thấy cô vợ như vợ Phúc không phải ai cũng có được.
Về chuyện này, Phúc tâm sự: “Tôi luôn hài lòng về vợ, tôi nghĩ mình không chê vợ thì thôi, nếu để người ngoài "chê hộ" rồi thấy mình thua thiệt hay mất mặt thì chẳng có gì ngu ngốc hơn”.
Theo Nguoiduatin.vn