Câu tục ngữ xưa kia “Giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng” là bằng chứng cho nỗi khổ của người phụ nữ khi bước về làm dâu nhà chồng. Đó là những cuộc chiến nội bộ hết sức gay go giữa nàng dâu và bà cô thủa trước.
Còn ngày nay thì tình hình đã dịu đi nhiều, nhưng thời nào cũng có nỗi lo của thời ấy, nếu không nhận thức đúng đắn sẽ gây nhiều mâu thuẫn, đôi khi còn trở thành thảm kịch. Tại sao lại như thế? Tuy nhiên nhiều gia đình lại có cách sống khác, tuy là chị dâu em chồng nhưng vẫn thuận hoà, vui vẻ.
Cuộc sống gia đình trở nên căng thẳng khi có cả chị dâu và em chồng
(Ảnh minh họa)
Đi làm dâu mới hiểu chị dâu
Có hai anh em trai, lại là em út nên Yến được cả nhà cưng chiều, vì thế cô không có “tài gia nội trợ”, lại không khéo tay như những người phụ nữ khác. Thế nhưng, cô lại về làm dâu ở một gia đình có ba cô em gái. Cô lớn đã đứng tuổi nhưng chưa lấy được chồng, có lẽ vì thế mà khó tính khó nết. Cô em thứ hai thì không những khó tính mà còn sạch sẽ, tỉ mỉ thái quá, lại thêm cái tội lì lợm chẳng coi ai ra gì. Cô út thì ăn chơi đua đòi, lại đeo thêm cái tính đỏng đảnh đến là khó chịu.
Còn bà mẹ chồng thì luôn luôn về phe với con gái để thêm những con mắt rèm pha, soi mói, vì thế, Yến đã rơi vào hoàn cảnh của một người cô độc. Sự săn sóc, âu yếm của Yến đối với chồng cũng bị cô em lớn tuổi kia cho là ngứa mắt, nên cô ta thường rót vào tai mẹ những điều bất lợi cho Yến.
Yến không năng nổ và khéo tay, nhưng tính cũng ưa sạch sẽ và chu đáo, thế mà luôn bị cô em thứ hai xăm soi, có hôm Yến giặt quần áo cho cả nhà, đã phơi lên mắc lên dây rồi, nhưng cô ta còn gỡ xuống vò lại cốt để bố mẹ nhìn thấy và cho là Yến cẩu thả. Món ăn nấu ra các cô bữa chê mặn, bữa chê nhạt, bà mẹ chồng cũng hùa theo con gái khiến cho Yến nhiều phen điêu đứng.
Cô em út chẳng những không giúp được gì, còn suốt ngày tụ tập bạn bè, chơi bời ăn uống tại nhà rồi lại kéo nhau đi để lại cho Yến một hiện trường bề bộn, có hôm phải lau chùi cả buổi mới xong. Trong con mắt ba cô em, Yến vốn là một kẻ xa lạ, là con ô sin trong nhà. Yến luôn phải cố gắng hoàn thành mọi việc, cả về lời ăn tiếng nói, nhưng tất cả chỉ là vô nghĩa đối với ngần ấy con người. Cô đã quá khổ sở, mỗi lần về nhà mẹ đẻ cô chỉ còn biết khóc lóc, than thở.
Mọi thứ dường như đều có vòng lặp, cô đã nhận ra điều đó từ những ngày đầu đi làm dâu. Bởi lẽ ngày còn ở nhà, với vị trí là em chồng, cô đã từng nặng nhẹ với chị dâu. Mặc dù cô được chị dâu hết sức quan tâm săn sóc như em gái, nhưng cô vẫn hay xét nét bắt bẻ chị, đôi khi còn “ăn hiếp” khiến cho chị phải đau khổ.
Nghĩ lại Yến thấy ân hận vô cùng, cô muốn lấy lại những ngày tháng đã qua để có cơ hội được cảm thông, chia xẻ với chị. Giờ đây, với cương vị làm dâu nhà người, Yến mới hiểu được tình cảm của chị dành cho mình, cô tự nhủ phải nhẫn nhịn và cố gắng để một ngày nào đó những bất hạnh sớm lùi xa như nỗi trăn trở của chị dâu Yến.
Cái “bình thường” lại khiến “bất bình thường”
Xinh xắn, lại có học vấn, nghề nghiệp ổn định, nhưng hai cô em chồng của Thư đã vào cái tuổi “băm” mà vẫn chưa có anh chàng nào rước đi cho.
Ngày mới về làm dâu, Thư không ngại làm tất cả mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ, mặc dù công việc ở cơ quan cũng rất bận. Thư vốn mồ côi mẹ từ nhỏ nên khi còn ở nhà mọi việc đều đến tay cô. Vì thế, khi về làm dâu Thư không mấy bỡ ngỡ trong những sinh hoạt đời thường. Thế nhưng cô vẫn luôn bị hai cô em chồng xăm soi, phê phán, đôi khi các cô còn tỏ ra căng thẳng ra mặt.
Chả là bà mẹ chồng Thư làm ở một viện nghiên cứu khoa học, công việc gần như bận quanh năm ngày tháng, vì thế, ngay từ nhỏ, việc lớn bé trong nhà đều do hai cô quán xuyến, cô nào cũng chăm chỉ nên cha mẹ không mấy khi phải bận tâm việc nhà. Thư - với cương vị phận làm dâu, như bao người phụ nữ khác, khi bước về nhà chồng đã tự biết mình cần phải làm gì. Nhưng ở nhà chồng cô lại không như vậy, những việc trước kia các cô em chồng của cô đã làm, bây giờ Thư “nhúng” tay vào là bị các cô “khiển trách” ngay lập tức, các cô lạnh lùng với chị dâu khiến Thư bị cô lập.
Những bữa cơm Thư tự mình nấu cho cả nhà ăn là bị các cô chê bai và gắng gượng ăn lấy lệ, cái nhà tắm Thư cọ rửa cho sạch là bị các cô mỉa mai, diễu cợt, Thư lau nhà lau cửa là cô em thứ hai lau lại với vẻ khí chịu, biết bao nhiêu chuyện xảy ra mà kể.
Đêm đêm sự tủi hờn Thư chỉ biết trút lên vai chồng với những giọt nước mắt đau khổ. Chồng cô đã khuyên cô tập trung vào công việc chuyên môn ở cơ quan, còn mọi việc nhà không cần phải bận tâm, anh giải thích cho Thư hiểu tính cách của từng người trong gia đình để Thư dễ bề trong sinh hoạt. Quả nhiên sau một thời gian lơ đãng với việc nhà, cô lại nhận được sự quan tâm của hai cô em, hai cô không bị Thư tranh mất việc nên rất phấn trấn, tỏ ra gần gũi với Thư hơn, lại không còn chút nghi kỵ nào giữa chị dâu - em chồng nữa. Hai cô thi nhau tâm sự, săn sóc Thư như chị em gái, sự lạnh lùng đã biến mất khi nào không hay.
Giờ đây, Thư đã hiểu rằng, đôi khi những thói quen rất tất yếu của mình lại khiến cho mọi thứ trở nên phức tạp, ai đó cho rằng phận dâu là khó, nó khó thật đấy, nhưng đối với Thư, lúc này đây, mọi việc sẽ dễ dàng khi mọi người hiểu nhau.
Theo Người đưa tin