Tôi đang làm ở cơ quan nhà nước, thu nhập cũng chỉ đủ chi tiêu cho mình, thêm nữa mua hộp sữa cho con. Hồi mới cưới hai vợ chồng tôi một tháng dăm triệu, “một mái tranh đơn hai trái tim vàng” như thế là tạm ổn. Nhưng đứa con đầu lòng ra đời rồi tiếp đến là vỡ kế hoạch đứa thứ hai khiến mọi chi phí sinh hoạt tăng theo cấp số nhân.
Trong căn nhà hơn hai chục mét vuông bốn con người chúng tôi xoay xở. Lo mọi chi phí cho cuộc sống gia đình, từ thằng lớn sắp vào lớp 1 đến con bé cần sữa để ăn, tôi phải thắt chặt chi tiêu hết mức. Mua một cái váy cho điệu đà hay quần áo “đồ hiệu hạng 2” hoặc mỹ phẩm đắt tiền với tôi trở nên quá xa xỉ.Chồng tôi vốn hiền lành, thuộc tuýp người “ổn định”, ngại va chạm nên hầu như sau mỗi buổi tan tầm là phóng thẳng xe về nhà với vợ con, làm nhiều bà vợ không khỏi mơ ước trong thời điểm “con đường bia bọt” đang dăng đầy khắp phố.
Là trụ cột gia đình, đang làm ở công ty xuất nhập khẩu, ngoài việc cơ quan một tháng vài triệu tiền lương anh không quan tâm đến việc gì nữa, có gì ăn nấy, mặc cho thiên hạ làm ăn rầm rầm bên ngoài anh cũng không cần hay biết.
Mấy anh em ruột bên nội cũng khá giả, lại năng động trong việc làm ăn kinh doanh, tôi cần sự giúp đỡ, chí ít không làm ăn chung được thì cũng hỗ trợ cho mình tý vốn. Không ít lần tôi nói chồng sang vay anh em, không nhiều nhặn cũng gọi là tý vốn để làm ăn chung với mấy người trong công ty, người ta đầu tư chỗ nọ, cổ phần chỗ kia... Nhưng chồng tôi tính ngại vay mượn, điệp khúc “anh sợ lắm” khiến tôi bực mình.
Trước, mọi người khen anh hiền lành, ngoan ngoãn, bảo tôi tốt số mới lấy được ông chồng như thế. Nhưng giờ tôi không hiểu chí tiến thủ của anh bị rụi từ bao giờ.
Đồng nghiệp tôi ở cơ quan lúc nào cũng tươi trẻ, xúng xính quần áo, chỗ nào có cái gì hay, cái gì đẹp là vào mua mà chưa một lần phải đắn đo, căn ke từng khoản. Tôi chạnh lòng lắm. Một nách hai con, chồng không dựa được.
Hết quý này, chủ nhà lại đòi tăng tiền nhà, ra chợ cái gì cũng đắt đỏ. Tôi thì nóng ruột, chồng vẫn chỉ một câu: “Mình thuê nhà khác, nhỏ nhà thì nhỏ tiền, mọi người sống được, mình sống được”.
Có ai nhàn mà khổ như cái thân tôi không?
Theo Afamily