“Người mẹ” thứ hai
Nhờ siêng đến câu lạc bộ tiếng Anh mà Quang (SV ĐH Hoa Sen) lọt vào mắt xanh của một cô sinh viên kinh tế. Theo lời Quang, côbạn gáinày tuy không xinh lắm nhưng thùy mị, dịu dàng và biết quan tâm người khác, đặc biệt là Quang.
Ban đầu Quang sướng lắm, anh thậm chí còn đem khoe cái sướng ấy với bạn bè. Nhưng được vài tháng thì Quang phát hoảng:“Ngày nào cô ấy cũng gọi điện nhắc nhở mình từ đánh răng, rửa mặt, ăn sáng, chuẩn bị đồ đi học cho đến việc ngủ nghỉ, đi chơi với bạn bè và cả... tắm giặt nữa chứ”.
Chia sẻ với nhà tâm lý, Quang nói có cảm giác mình là con nít, còn nàng là “bà mẹ thứ hai”. Và thậm chí để chăm sóc bạn trai triệt để hơn, nàng còn nhờ cả bạn thân của Quang làm "tay trong" cho mình. Lúc này thì Quang cảm thấy thực sự bức xúc vì kiểu chăm bẵm quá đà của người yêu.
Đôi khi sự quan tâm nhiệt tình của bạn gái lại khiến phái mày râu "nghẹt thở"
Trong hoàn cảnh tương tự, bạn Thái (nhân viên xuất nhập khẩu) đến gặp nhà tâm lý khi “giọt nước tràn ly”. Số là chiều hôm trước T. cùng người yêu đi uống nước. Quán đông người, vậy mà cô ấy cứ oang oang:“Anh uống cà phê làm gì? Sao không uống nước cam như em cho tăng cường sức khỏe. Cả ngày hôm nay anh chưa ăn một miếng trái cây nào đâu đấy nhé...”.
Cuộc độc thoại của nàng khiến nhiều người trong quán mắt tròn mắt dẹt nhìn hai người, thế là T. cầm ly nước tu một hơi hết sạch rồi đòi về vì “xấu hổ muốn độn thổ luôn”.
Một chuyên viên tâm lý kể có lần chàng trai nọ (22 tuổi) đến nhờ ông chỉ cách... cắt quan hệ với bạn gái chỉ vì cô này “truy” dữ quá. Cụ thể, mới sáng sớm là cô ấy gọi đến nhắc nhở:“Anh dậy chưa? Đánh răng, rửa mặt đi. Nhớ uống cho em một cốc to sữa tươi cho bổ dưỡng”.
Đến khoảng 10h nàng lại gọi:“Anh đang làm gì thế? Đừng ngồi máy tính lâu, đứng dậy đi lại đi anh. Nếu không sẽ bị đau lưng, hoa mắt đấy!”. Chàng trai than thở với nhà tâm lý:“Tôi chịu hết nổi rồi!”.
“Chăm” vừa đủ thôi
Chăm quá tay sẽ khiến cảm xúc của nam giới chuyển từ hạnh phúc đón nhận thành tù túng, khó chịu
Theo một chuyên gia tâm lý, phe mày râu thường không thích sự gò bó, chưa kể ai cũng cần cõi riêng, nên nếu các cô nàng chăm quá tay sẽ khiến cảm xúc của nam giới chuyển từ hạnh phúc đón nhận thành tù túng, khó chịu và cuối cùng là... chán ngán đến tận cổ, chỉ muốn được giải thoát!
Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh từng kể, có lần cô nhận được lá thư từ một chàng sinh viên với nội dung than thở “muốn chết ngộp” vì sự quan tâm quá mức của người yêu. Trong lá thư trả lời, cô Oanh nhắc đến những phụ nữ mắc “bệnh” chiếm hữu.
Là bạn gái họ ghen tuông; làm vợ, làm mẹ, họ xem chồng con như vật sở hữu. Điều này khổ cho người khác và cho chính họ.
Cũng trong thư, cô Oanh khuyên chàng trai nọ tìm cách chữa “bệnh” cho người yêu, chứ im lặng "đánh bài chuồn" sẽ khiến đối phương “bệnh” nặng hơn với người kế tiếp.
Còn Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy thì cho biết, nếu sự chăm sóc được thể hiện đến mức độ mà đối tượng cảm thấy như bị tước mất quyền tự lập tối thiểu, tất sẽ sinh khó chịu.
Cái bẫy của sự quan tâm luôn là sự áp đặt, khắt khe, muốn người ta làm theo ý mình, điều đó khiến cho người “bị yêu” cảm thấy họ không được yêu thật sự mà đang bị sở hữu, đang mất chính mình. Cảm xúc lãng mạn, tò mò, muốn gây chú ý không còn chỗ đứng nữa, vì vậy tình yêu dễ “chết yểu”.
Yêu là làm tất cả để người yêu được hạnh phúc và an tâm
“Ai đó yêu bạn không phải vì bạn là ai mà vì họ là ai khi đi bên cạnh bạn”.
Theo bà Thúy, “họ là ai” mới là điều người được yêu quan tâm nhất. Để người mình yêu cảm thấy họ không được là chính họ khi ở bên ta, là ta đang từng bước hủy hoại hạnh phúc của cả hai người. Và khi quan tâm quá mức đến người yêu là ta đang yêu theo cách kiểm soát, và đó là tình yêu ích kỷ, yêu vì mình chứ không vì người. Vì lẽ đó, “người trong cuộc” hãy quan tâm, chăm sóc theo đúng nhu cầu của người mình yêu.
Cùng quan điểm với thạc sĩ Thúy, trong một lần trò chuyện về chủ đề tình yêu - hôn nhân, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh từng cho rằng khi yêu nhau tuy cả hai thành một, nhưng hãy để người ta yêu có được khoảng riêng tư, tự do cần thiết.
“Yêu là làm tất cả để người yêu được hạnh phúc và an tâm, chứ không phải hạnh phúc khi người ta làm theo mong muốn áp đặt của mình”, cô Oanh nói.
Theo Tuổi Trẻ