Em hai mươi tư tuổi mà như con nít, chẳng biết làm gì, cơm chẳng biết nấu, quần áo chẳng biết giặt, nhà cửa thì cũng chẳng bao giờ phải mó tay dọn dẹp.
Chẳng phải nhà em giàu có gì cho cam, bố mẹ em làm nông vất vảnhưng có mỗi đứa con gái, nên chẳng nỡ lòng nào bắt em làm việc nhà, sợ làm xấu tay con gái.Lúc nào mẹ cũng bảo: “Đời mẹ khổ rồi, phải để cho đời con được sướng, thời gian đó để mà học hành sau này còn làm được ông nọ bà kia...”
Thếlà em cứ lớn lên hồn nhiên không lo toan, vướng bận việc gì, em vô tư đến vô tâm. Đến tuổi em lấy chồng, bố mẹ mới giật mình nhận ra ngoài việc học và làm đẹp, con gái chẳng biết làm gì.
Mẹ lo lắng bắt con gái vào bếp, huấn luyện theo kiểu “nhồi vịt”. Nhưng ôi thôi! Ngoài tính vụng về con gái yêu còn mắc chứng lười. Thế nên bao nhiêu công sức thuyết phục của mẹ cũng chẳng kéo được con gái ra khỏi giấc ngủ nướng thường nhật. Bố mẹ đành bất lực cầu trời cho con kiếm đượcông chồng dễ tính.
Duyên số run rủi cho em gặp anh, chàng công tử đẹp trai, con nhà giàu, đúng như giấc mơ của em.
Nhưng khổ nỗi cưới nhau rồi mới biết cuộc sống chung của “chàng công tử bột con nhà giàu” với “cô công chúa con nhà nghèo” chẳng phải như em mong đợi. Hai đứa như con nít suốt ngày cãi nhau vì những việc thường nhật: em vặn vẹo anh ngủ ngáy, anh móc máy em lười, rồi đến chuyện sinh nhật anh -em quên, sinh nhật em -anh cũng chẳng nhớ, hay anh ra ngoài đường thấy cô nào xinh là mắt cứ dáo dác. Chúng mình từ cặp tình nhân hạnh phúc, lãng mạn chẳng mấy chốc hóa thành đôi "oan gia" tối ngày hục hặc. Em lại chẳng phải nàng dâu hiền thảo, hơi tí là cãi mẹ chồng nhem nhẻm, việc nhà chẳng chịu lo toan, cứ đùn đẩy hết cho mẹ. Thế rồi một hôm đẹp trời, sức chịu đựng của mẹ đã cạn, giọt nước cuối cùng làm tràn ly là khi bãi phân mèo nằm chềnh ềnh giữa cửa, mà em cứ bình chân như vại ngồi coi ti vi. Trong cơn thịnh nộ mẹ đã ra phán quyết: “ Hai con ra ở riêng đi nhé!”.
Em cũng chẳng buồn phiền gì, lại mừng thầm trong bụng: "Thế là thoát kiếp làm dâu, từ đây tha hồ tự do".
Thế rồi hai đứa chuyển đến căn hộ nhỏ ở ngoại thành - quà cưới của mẹ chồng. Buổi đầu cuộc sống của vợ chồng son là ăn cơm bụi, quần áomang ra tiệm giặt, nhà cửamướn người về dọn dẹp, hai vợ chồng như ông hoàng bà chúa.
Rồi chẳng bao lâu em cũng có tin mừng, thế là từ đấy em tha hồ nhõng nhẽo anh, hết đòi cái này lại muốn cái nọ. Thôi thì với niềm vui làm bố, anh cũng chẳng nề hà. Xem ra anh cũng lớn hơn một chút, chứ kể như ngày xưa thì em phải “biết tay” anh.
Rồi em sinh em bé, bố mẹ em ở xa, lại ốm đau nên chẳng lên chăm em được. Mẹ anh dù thương con, thương cháu nhưng cứ nhìn thấy em là lại “ngứa mắt”. Thế là chẳng được mấy hôm mẹ cũng bỏ về, để lại hai vợ chồng mình vụng về xoay sở với đứa con mấy ngày tuổi. Cứ nửa đêm con khóc là anh lại bật dậy thay tã cho con, em dù ngái ngủ cũng phải gượng dậy cho con bú. Ban ngày anh phải đi làm, em đành một mình đương đầu với “thằng quỷ nhỏ”. Cơm nước nhà cửa đã có chị giúp việc lo cả, nhưng em nào có biết phải chăm con thế nào, đến bế con cũng phải nhờ chị giúp việc “huấn luyện” cả tuần. Con quấy khóc em cũng chẳng biết dỗ làm sao, người ta thì biết hát ru con, còn em mới mở miệng hát ru con đã khóc to hơn, bởi những bài đó toàn là nhạc rock. Em bắt đầu học làm mẹ từ con số không! Em gọi chị giúp việc là sư phụ và theo chị học cách làm mẹ. Dù chị chỉ mới học hết lớp ba, mà sao cái gì cũng biết, còn em đường đường là thạc sỹ kinh tế mà ngượng ngịu, vụng về, chẳng biết chút gì về nghệ thuật làm mẹ.
Từng ngày trôi qua em cảm thấy dường như đã trưởng thành lên rất nhiều, đôi bàn tay vụng về đã trở thành chiếc nôi dịu dàng nâng giấc ngủ con thơ, giọng ca bốc lửa rock chẳng mấy chốc đã thành giọng dân ca nhẹ nhàng đưa con vào giấc ngủ. Con người vô tâm ham ăn, ham ngủ của em cũng trở nên chín chắn hơn, hễ cứ nghe con ọ ẹ là em đã vùng dậy, xem con có đái dầm hay đạp chăn ra ngoài không...
Từ thương con em lại thương anh hơn, thấy anh đi làm vất vả, hết giờ làm là lại vội vàng về với mẹ con em, anh bảo sợ em ở nhà ăn cơm một mình lại tủi thân. Có hôm tắc đường anh cũng chen chân về cho bằng được. Nhìn anh mồ hôi đầm đìa mà em vừa thương, vừa buồn cười. Lại nhớ đến ngày trước anh hết giờ làm là lại la cà đến một hai giờ sáng mới mò về, em chợt thấy chồng mình sao tiến bộ nhanh thế.
Thế là em cũng chịu khó học chị giúp việc làm mấy món ăn ngon để bõ công anh cất công về nhà ăn tối. Cũng nhờ sáng dạ, chẳng mấy chốc em đã trở thành đầu bếp cao tay, làm anh và chị giúp việc cứ tấm tắc khen mãi. Chị giúp việc cười cười bảo: “Thế này thì chắc chẳng mấy chốc mà em cho chị về quê...”
Hôm nay bố mẹ ở quê lên chơi, cả mẹ anh cũng đến chơi, em quyết tâm làm một bữa thịnh soạn mời các cụ.
Bố mẹ nói cười rôm rả, từ trong bếp em nghe được trong câu chuyện ấy có giọng của mẹ anh: “Đúng là sinh con rồi ai cũng phải lớn, ông bà nhỉ..”
Theo Phunuonline.com.vn