Hải sâm không xương sống, ngành da gai, thân tròn, dài và mềm. Hình thù hải sâm hơi vặn vẹo và đủ màu sắc, trắng, vàng, tím sẫm, nhung đa số có màu sẫm do nhiều màu trộn lẫn tạo ra.
Ảnh: Theo dost-dongnai.gov.vn
Hải sâm sống chủ yếu ở đáy biển, sát các dải san hô, thường gặp nhiều ở các vịnh và những vùng biển có nhiều đá ngầm. Ngư dân đánh bắt được hải sâm thường đem phơi khô hay sấy khô để làm thực phẩm và làm thuốc. Đây là một hải sản quý có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Theo các tài liệu nghiên cứu, trong hải sâm có 21,45% protit, 0,27% lipit, 1,37% gluxit, 1,13% tro, nhiều loại vitamin và muối khoáng (canxi, photpho, sắt, đồng, iốt, selen...) nhưng hàm lượng cholesterol lại hầu như không có, nên là thực phẩm bổ dưỡng rất tốt cho những người bị tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, xơ vữa động mạch, ung thư, những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.
Protit của hải sâm thuộc loại đạm quý gồm nhiều axit amin cần thiết cho cơ thể. Từ hải sâm, người ta chế biến được nhiều món ăn cao cấp ngon và bổ, có giá trị bồi dưỡng sức khoẻ cao. Tính chất bổ của hải sâm được đánh giá ngang với nhân sâm, do đó được gọi là sâm biển.
Y học phương Đông cũng đã chỉ ra, hải sâm vị mặn, tính ấm, có tác dụng bổ thận tráng dương, tư âm dưỡng huyết, ích tinh nhuận táo... thường được dùng cho những người cơ thể suy nhược, lao lực, thiếu máu, nam giới thận dương hư nhược gây ra tình trạng di tinh, xuất tinh sớm, liệt dương, bất lực về tình dục, nữ giới sau khi sinh con cơ thể suy yếu...
Ngoài ra, hải sâm còn được dùng chữa viêm phế quản, thần kinh suy nhược và cầm máu. Dạng thuốc thường được dùng là nướng giòn hải sâm, nghiền thành bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 6 - 10g, chiêu với nước nóng.
Hải sâm giàu các axit amin cần thiết, các chất có hoạt tính sinh học, các nguyên tố vi lượng quan trọng như sắt, đồng (giúp quá trình tạo máu), selen (có tác dụng chống quá trình oxy hoá), các chất làm ổn định thần kinh, tăng cường quá trình hấp thu và chuyển hoá gluxit....
Theo Bee.net