Như thế nào là sẩy thai?
Sẩy thai được định nghĩa là tình trạng kết thúc thai nghén trước tuần thứ 22 của thai kì, hoặc khi thai chưa đạt được trọng lượng 500g. Những trường hợp sẩy thai trước tuần thứ 12 được gọi là sẩy thai sớm và sẩy thai muộn là từ tuần 12-20 của thai kì.
Theo ghi nhận, sẩy thai xảy ra ở 15-20% thai phụ, và thường xảy ra trước tuần thứ 13 của thai kì. Vì thường xảy ra sớm nên thường người phụ nữ không nhận biết mình có thai hay nắm được các dấu hiệu sẩy thai.
Sẩy thai được phân ra thành 3 loại:
Dọa sẩy thai (xuất huyết và đau bụng, nhưng thai nhi vẫn sống và chưa bị đẩy ra khỏi buồng tử cung); Chắc chắn bị sẩy thai (một phần hay toàn bộ thai và nhau thai bị đẩy ra ngoài cơ thể); Thai lưu: Là trường hợp thai chết nhưng chưa bị đẩy ra ngoài, các triệu chứng thai nghén biến mất, thời gian thai lưu trong cơ thể có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng.
(ảnh minh họa)
Nguyên nhân nào dẫn đến sẩy thai?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sẩy thai, trong đó phổ biến nhất là do sai lạc nhiễm sắc thể, hay do nhiễm khuẩn (sốt rét, thương hàn…), do thai phụ bị tiểu đường, do chấn thương vùng bụng hoặc gặp sang chấn mạnh về cảm xúc, do bị nhiễm độc hoặc do trứng làm tổ bất thường.
Trong trường hợp sẩy thai liên tiếp (sẩy thai liên tục từ 3 lần trở lên) thường do những bất thường ở tử cung hoặc rối loạn nội tiết tố.
Khoa học cũng đã chỉ ra các mối liên quan giữa lối sống không lành mạnh và hiện tượng sẩy thai. Việc hút hơn 10 điếu thuốc/ngày, uống thức uống có cồn hoặc caffeine, sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (thông dụng như aspirin, ibuprofen, diclofenac, naproxen và paracetamol) đều làm gia tăng nguy cơ sẩy thai.
Nhận biết các dấu hiệu sẩy thai
Những dấu hiệu sẩy thai tiêu biểu bao gồm xuất huyết âm đạo (đỏ hoặc đen), máu có thể lẫn với dịch nhầy. Đối với dọa sẩy thai, sản phụ có cảm giác tức, nặng bụng dưới hoặc đau lưng. Nếu là chắc chắn bị sẩy thai, sẽ có triệu chứng đau quặn bụng kèm theo xuất huyết.
Nếu sẩy thai gây ra bởi nhiễm trùng, kèm theo các dấu hiệu sẩy thai bình thường, thai phụ còn có biểu hiện sốt, bạch cầu tăng, CRP tăng. Hiện tượng chảy máu liên tục (băng huyết) gây ra choáng do mất máu.
Xử trí khi có dấu hiệu sẩy thai
Khi có dấu hiệu sẩy thai như đau bụng, xuất huyết, thai phụ cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng thai nhi, đồng thời có những biện pháp xử trí thích hợp.
Nếu có dấu hiệu dọa sẩy thai, cần phải nằm nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, tránh lao động, tránh giao hợp và uống thuốc theo chỉ dẫn. Nếu vẫn còn bị chảy máu và đau bụng nhiều hơn thì cần gặp bác sĩ để tiếp tục có hướng điều trị phù hợp. Riêng đối với thai lưu, không nên chờ sẩy tự nhiên vì có thể gây rối loạn đông máu, mà cần can thiệp để chấm dứt thai kì.
Bên cạnh đó, thai phụ cần chuẩn bị tâm lý vững vàng khi phát hiện có dấu hiệu sẩy thai. Trong trường hợp xấu nhất, phải bỏ thai, cần tránh suy nghĩ tiêu cực, bi quan, có thể chia sẻ với người thân để cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Trong trường hợp sẩy thai liên tiếp, cả 2 vợ chồng đều cần được kiểm tra toàn diện và được tư vấn đầy đủ trước khi dự định mang thai một lần nữa.
Việc duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm những nguy cơ gây sẩy thai. Khi có thai, nên khám thai định kì để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Đừng bao giờ tự ý sử dụng thuốc khi bạn đang mang thai. Ngoài ra, cần ăn uống đủ chất để thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Theo Eva.vn