Ở cái tuổi ngấp nghé 40, cơ thể người phụ nữ thường có nhiều chuyện để mà "lên tiếng" hơn đàn ông, nhất là ở hệ cơ, xương, khớp. Đó là vì qua vài lần mang thai, cơ thể có thể thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng. BS Nguyễn Trọng Anh, Phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM cho biết thêm, ở phụ nữ, từ sau tuổi 20 trở đi, khối lượng mỡ trong cơ bắt đầu tăng lên, thay thế khối lượng cơ, từ đó khiến cho cơ bắp giảm sức mạnh, giảm sự dẻo dai so với trước đây. Ở những người không có thói quen tập thể thao từ lúc trẻ, họ sẽ cảm nhận rõ rệt sự giảm sút này qua hàng loạt rắc rối có thể nảy sinh khi đến tuổi trung niên.
Ảnh: Shutterstock
Một trong những rắc rối đó phát sinh từ chính thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Chẳng hạn tư thế chuẩn của đầu khi chúng ta ngồi là 2 tai phải "rớt" trúng ngay vai nếu kéo chúng xuống thẳng đứng.
Theo BS Trọng Anh, chỉ cần đầu chồm ra phía trước 2 cm, cơ cổ đã phải chịu một lực thêm đến 6 kg! Khi nằm ngủ, nhiều người thích kê gối thật cao, khiến cho đầu gập quá mức về phía trước dẫn đến đau cổ. Khi ngồi, nhất là ngồi làm việc lâu như khi đánh máy, nếu cẳng tay không được nâng đỡ (có thể bằng tay vịn của ghế, bàn vừa tầm), hệ thống cơ vai, cổ phải căng sức ra mà treo tay lên thì cũng sẽ mau chóng kiệt sức. Một số người khác thì luôn kẹp điện thoại vào cổ khi nói chuyện, lâu ngày có thể dẫn đến co rút cơ cổ...
Làm khó tay, chân
Xem ra, dường như con người ta đang nhất bên trọng, nhất bên khinh mà "đàn áp" vai, cổ quá mức. Thực tế là không ít người vẫn cứ vô tư "đàn áp" cả cơ thể mình chứ không riêng gì vai, cổ. Như chị Mỹ Giang (TP.HCM) luôn thích ngồi chơi game, làm việc trước máy vi tính với cái ghế khá thấp, khiến bàn tay luôn phải chổng ngược về phía sau khi đánh máy, nhiều khi là trong bốn, năm tiếng đồng hồ liên tục.
Nhiều năm trôi qua, chị vẫn không để ý vì không thấy cổ tay "nói" gì. Cho tới một buổi sáng ngủ dậy, chị cảm thấy đau nhức khi gập các ngón tay lại và sau đó là thường xuyên tê tay khi chạy xe máy. Đến khám bác sĩ cơ, xương, khớp thì được chẩn đoán hội chứng ống cổ tay. Còn may là chị Giang đến bác sĩ sớm, có thể điều trị nội khoa, nếu không sẽ phải phẫu thuật. Các bài tập kéo căng gân, cơ ở cổ tay, bàn tay giúp ngăn ngừa hội chứng này.
Bơi lội là môn thể thao tuyệt vời cho cột sống của bạn - Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ Trọng Anh cũng cho biết, việc mang giày cao gót thường xuyên, mang giày không phù hợp khi chơi thể thao (không đủ êm, không đúng loại chuyên dụng), các tư thế sai khi đi, chạy bộ (chẳng hạn chạm gót chân xuống đất trước khi chạm mũi), chạy bộ trên mặt sân quá cứng... khiến cho người ta dễ bị viêm cân gan chân, nhất là ở phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh.
Hành hạ lưng
Nếu như sự tiến hóa giúp con người đứng thẳng lên, giải phóng hoàn toàn đôi tay khỏi mặt đất, đem lại bao lợi ích cho con người trong sinh hoạt hằng ngày thì các loài động vật vẫn có cái để mà cảm ơn nhờ thua kém con người: đỡ đau lưng. Chính vì mất đi 2 chi trước chịu lực nên áp lực đè nặng lên cơ lưng, cột sống của con người. Khổ nỗi, nhiều chị em lại vô tình tăng thêm cái áp lực đó bằng những tư thế xấu, chẳng hạn ngồi chùn lưng khi làm việc, khiến cho cơ lưng phải... nai lưng ra mà kéo về phía sau, dễ dẫn đến đau lưng cơ năng. Tư thế ngồi thẳng và một cái gối kê sau lưng có thể khắc phục điều này. Các bài tập làm săn chắc cơ lưng, cơ bụng cũng có vai trò rất quan trọng.
Đến khi thời trai trẻ dần lùi xa, cột sống bắt đầu thoái hóa, hệ thống dây chằng giãn hoặc đóng vôi, xương mọc gai, thoát vị đĩa đệm..., các hội viên của câu lạc bộ trung niên bắt đầu đau lưng, nhiều khi là đau dữ dội. Có khi họ còn bị chèn ép rễ thần kinh, gây tê tay, đau lan tỏa xuống mông, chân. Giữ lưng thẳng, tránh cúi khom, hạn chế mang vác vật nặng sẽ giúp hạn chế các bệnh lý ở cột sống. Thói quen tập thể dục thường xuyên giúp hệ thống xương khớp khỏe, cơ thể dẻo dai, cộng thêm chế độ ăn uống đủ vitamin và khoáng chất sẽ giúp kéo dài tuổi thanh xuân của xương khớp. Ngoài ra, theo bác sĩ Trọng Anh, bơi lội chính là môn thể thao tuyệt vời nhất cho cột sống của bạn.
Theo Thanhnien