Để tránh rủi ro khi nhuộm tóc

havan |

Đã có nhiều trường hợp bị tai biến do thuốc nhuộm tóc, với những biểu hiện: da đầu sưng đỏ, ngứa...

Khi nào cần nhuộm tóc?

Khi tóc bị bạc nhiều thì nhuộm tóc đen lại sẽ giúp bạn trông trẻ hơn, nhu cầu này thường xuất hiện ở những người có tuổi. Ngoài ra, khi có màu mắt và màu da sáng, việc thay đổi màu tóc từ đen sang vàng kim hoặc đồng sáng hoặc hạt dẻ... cũng sẽ giúp chúng ta trông hợp thời trang và ấn tượng hơn, nhu cầu này thường gặp ở những bạn trẻ.

Những trường hợp khác khi muốn nhuộm tóc cần phải hết sức thận trọng, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những tác hại do thuốc nhuộm tóc đem lại, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bị tai biến khi sử dụng các dịch vụ làm đẹp tóc kiểu này.

Nhuộm tóc có nhiều loại: nhuộm dần dần (tóc sậm màu dần), nhuộm tạm (màu nhuộm bị mất đi sau một lần gội), nhuộm lâu (màu nhuộm bị mất đi sau từ 4 – 6 lần gội hoặc lâu hơn), nhuộm luôn (không mất màu khi gội đầu).

Kiểu nhuộm luôn gây tổn thương tóc nhiều nhất bởi vì các hạt màu trong loại thuốc nhuộm này có kích thước rất lớn, chúng chen lấn vào thân sợi tóc và vướng luôn trong đó. Trước khi nhuộm màu cho tóc thì thuốc nhuộm còn có tác dụng tẩy màu cũ của các sợi tóc.

Trong quá trình tẩy màu, oxygen của chất sừng trong sợi tóc sẽ bị phóng thích ra khỏi sợi tóc, dẫn đến sợi tóc bị mỏng lại, xốp hơn và dễ bị chẻ, bị gãy. Nếu nhuộm tóc thành màu càng sáng thì trong quá trình nhuộm, tóc sẽ bị tẩy màu càng nhiều. Do đó nhuộm tóc màu càng sậm thì tóc càng ít bị tổn hại. Trong đó đỏ, vàng, xanh là các màu sáng; nâu, xám, đen là các màu tối.

de-tranh-rui-ro-khi-nhuom-toc

Thuốc nhuộm có thể gây ung thư

Nên sử dụng loại thuốc nhuộm quen dùng, có uy tín, có thành phần từ thiên nhiên. Khoảng cách giữa hai lần nhuộm ít nhất là sáu tháng. Tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc…

Thuốc nhuộm thường chứa những thành phần sau: p-phenylenedamine (PPD), toluene-diaminesulphate (TDS), resorcinol (RES), aminoazobenzene, xylidine, aminophenol.

Các thành phần này thường gây ra các tác hại sau đây cho người sử dụng: tóc khô, mất bóng và dễ gãy; rụng tóc; viêm chân tóc (các nốt đỏ ở chân tóc, rất ngứa); viêm da tiếp xúc (các mảng đỏ da, tróc vảy, phù nề, nổi mụn nước… ở những vùng da tiếp xúc thuốc nhuộm); viêm da dị ứng (tổn thương tương tự viêm da tiếp xúc nhưng lan rộng ra ở cả những vùng da không tiếp xúc thuốc nhuộm như trán, cổ, mí mắt, mặt); tăng hoặc giảm sắc tố da đầu.

Nguy hiểm nhất là nguy cơ gây ung thư khi tiếp xúc thuốc nhuộm: ung thư bàng quang, ung thư hệ tạo máu, u não – màng não – thần kinh thính giác… Nguy cơ này càng gia tăng khi thuốc nhuộm càng sậm màu.

Để hạn chế tối đa tác hại

Mặc dù thuốc nhuộm tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng không phải vì những tác hại trên mà chúng ta nói không với việc sử dụng dịch vụ thay đổi màu sắc tóc.

Chúng ta nên áp dụng những điều sau đây khi nhuộm tóc, nhằm hạn chế tối đa các tác hại có thể xảy ra: dùng loại thuốc nhuộm quen dùng, có uy tín, có thành phần từ thiên nhiên sẽ tốt hơn; khoảng cách giữa hai lần nhuộm không quá gần nhau, ít nhất sáu tháng; tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc; dùng găng tay khi nhuộm hoặc cắt tóc nhuộm...

Theo SGTT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại