Phải nói là vợ Bảo đẹp. Cái đẹp không chỉ ở đường nét mà ở còn ở sự dịu dàng, đằm thắm và mặn mà của gái một con. Ngày yêu Mai, Bảo đến khổ sở vì thấy người mình yêu gây được ấn tượng với mọi người. Nhiều lúc Bảo sống trong tâm trạng vô cùng mâu thuẫn. Yêu người mà chẳng ai đoái hoài đến thì cũng chán, nhưng yêu phải cô mà hở ra là có kẻ khác nhăm nhe chinh phục thì cũng khổ.
Rồi may mắn là Bảo cũng giữ được Mai đến lúc hai người kết hôn. Đó thực ra chỉ là suy nghĩ của Bảo, bởi lẽ với Mai, cô không phải là người đứng núi này trông núi nọ. Mặc dù có nhiều vệ tinh vây quanh, Mai đã xác định gắn bó với Bảo, thì cô không hề mở hướng cho ai cả. Nhưng Bảo thì không nghĩ vậy, tất cả cũng chỉ vì một chữ “Ghen”.
Những ngày đầu khi hai vợ chồng mới lấy nhau, tình cảm thắm thiết và nồng ấm lắm. Vợ chồng gần như lúc nào cũng bên nhau như hình với bóng. Ấy vậy mà Bảo vẫn tìm mọi cách để “kiểm soát” vợ. Sáng anh đưa vợ đến tận cơ quan, chiều chưa tan sở đã đợi ở cổng công ty. Anh còn dành dụm tiền sắm cho bằng được cái điện thoại 3G cho hai vợ chồng để thỉnh thoảng trong giờ làm việc anh gọi cho vợ. Lần nào anh cũng lấy lí do, nhớ vợ quá muốn nhìn mặt vợ, bắt vợ bật 3G lên. Thực chất là để đoán định không gian xem có đúng vợ đang ở công ty không, xung quanh có đối tượng tình nghi nào không. Cứ thế, rảnh ra là Bảo gọi cho vợ, và có đủ lí do để Bảo gọi. Mai thấy hơi phiền một chút, nhưng nghĩ có thể vợ chồng son, mới lấy nhau tình cảm còn mới mẻ, chồng yêu mình nên mới thế. Cô cũng thấy đó là một niềm hạnh phúc nho nhỏ.
Thời gian vợ ở nhà vì mang bầu là thời gian Bảo thấy nhẹ lòng hơn cả từ ngày lấy vợ. Vì dù sao, Mai cũng chỉ quanh quẩn trong căn hộ của hai vợ chồng, chẳng đi đâu mấy, mà có đi thì người tài xế luôn là Bảo. Nhưng rồi thời gian đó cũng mau chóng qua đi, Mai đi làm trở lại. Các cụ nói chẳng có sai bao giờ, “gái một con trông mòn con mắt”, Mai càng lúc càng đẹp . Điều đó càng làm cho nỗi ám ảnh trong Bảo tăng lên.
Khi Cu Tí bắt đầu lên 3, Bảo chợt nảy ra ý định mới. Mỗi khi vợ đi đâu có việc dù là đi chợ mua đồ ăn, hay chạy qua nhà ngoại lấy túi đồ Bảo đều xúi con theo mẹ nằng nặc. Bảo nghĩ, có con bên cạnh, dù Mai có gặp gỡ ai cũng phải dè chừng. Hơn nữa, Mai ra ngoài, gặp ai cu Tí sẽ về thông báo đầy đủ cho Bảo. Sau mỗi lần như vậy, Bảo mua cho con 2 túi kẹo Chipchip là thằng bé cười tít mắt.
Cũng không phải Mai không biết Bảo có tính ghen tuông, nghi ngờ. Chính vì vậy mà đi đâu, làm gì Mai đều giữ khoảng cách trong các mối quan hệ, nhất là với người khác giới tránh làm chồng suy nghĩ vớ vẩn. Mai cũng hiểu, bản tính ghen tuông đã ngấm vào máu, có phân tích cho người ta hiểu cũng chỉ được phần nào. Chính vì vậy, sự tiết hạnh của mình mới là liều thuốc duy nhất giúp chồng hạn chế được. Nhưng càng ngày cô càng cảm thấy không thể chịu nổi trước những chiêu “canh” vợ của Bảo.
Ngày mai về nhà mẹ đẻ ăn giỗ bà. Bảo bận đi làm không thể đừng được, Cu Tí thì đi lớp vì hôm nay có đoàn kiểm tra. Thấy vợ “tự do” như vậy trong lòng Bảo vô cùng bất an. Giỗ bà thế nào mà Mai chẳng phải đi chợ mua sắm đồ giúp mẹ, không khéo còn có bạn bè của gia đình nhà bố mẹ vợ. Nghĩ vậy, Bảo xui cu tí bỏ học, đòi theo mẹ tới nhà bà. Mai đứng bên ngoài cửa phòng nghe rõ giọng bảo nói với Cu Tí:
- Lát xuống nhà con cứ khóc nằng nặc đòi mẹ cho về nhà bà ngoại nhé, đừng đi học. Tới đó con nhớ để ý mẹ, nếu mẹ có đi chợ cũng phải đòi đi theo, nghe chưa, xem mẹ có gặp gỡ hay nói chuyện với ai không nhé. Ngoan về rồi bố mua cho kẹo Chipchip biết chưa?
Mai đẩy mạnh cửa bước vào phòng:
- Anh quá đáng quá rồi, nếu anh cảm thấy không tin tưởng vợ mình như thế thì anh cứ việc nghỉ làm mà theo dõi tôi. Để yên cho thằng bé đi học, đừng làm ảnh hưởng tới nó. Tôi thực sự quá mệt với anh.
Nói rồi Mai kéo con lai tới lớp, bỏ mặc Bảo ở lại căn phòng chưng hửng với nỗi nghi ngờ vợ của mình.
Theo Afamily.vn