Nghiên cứu mới nhất do Viện Hàn lâm khoa học quốc tế (Mỹ) thực hiện trên hơn 600 nam giới cho thấy, khi bắt đầu làm bố, lượng testosterone trong cơ thể đàn ông giảm đi một cách đáng kể. “Việc làm cha và nhu cầu có con đã điều khiển cảm xúc, tâm lý của người đàn ông. Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng nhu cầu sinh học của người đàn ông sẽ tự thay đổi một cách đáng kể để phù hợp với nhu cầu của công việc”, Christopher Kuzawa, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Testosterone là nội tiết tố nam quan trọng nhất, được tiết ra chủ yếu ở tinh hoàn, chịu trách nhiệm về sự sinh trưởng và phát triển bình thường của cơ quan sinh dục nam như dương vật, tinh hoàn, bìu, tuyến tiền liệt, túi tinh... Nội tiết tố này cũng ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển các đặc tính sinh dục nam như tăng mọc lông tóc, mọc răng, giọng trầm, tăng sản sinh tuyến bã, hưng phấn và ham muốn tình dục, sự trưởng thành của tinh trùng.
Các nghiên cứu cho thấy, việc giảm testosterone giúp người đàn ông chống lại một số bệnh mãn tính, điều này cũng lý giải vì sao những người đàn ông đã lập gia đình thường có cuộc sống ổn định và sức khỏe tốt hơn so với những người độc thân.
Giáo sư Ashley Grossman, phát ngôn viên của Hội Nội tiết, cho biết: “Cuộc sống và nhu cầu sinh học tinh tế và dễ thích ứng hơn chúng ta từng nghĩ, điều này cho thấy nội tiết và các hành vi trong việc chăm sóc con cái và giao phối đòi hỏi lượng testosterone khác nhau”.
Tiến sĩ Allan Pacey, giảng viên cao cấp của Đại học Sheffield, cho biết: “Mức độ testosterone của nam giới sẽ không thay đổi quá nhanh mà giảm dần khi người đàn ông già đi và thay đổi để đáp ứng một số điều kiện y tế. Những người có lượng testosterone thấp sẽ chung thủy với vợ và có khả năng chăm sóc con cái tốt hơn những người có lượng testosterone cao”.
Theo Bích Phượng
BBC/Đất Việt