Em năm nay 26 tuổi, BS cho em hỏi, em có thể tiêm ngừa HPV được không (em đã quan hệ tình dục)? Nếu em đã bị nhiễm virus HPV thì việc tiêm ngừa ung thư cổ tử cung có hiệu quả? Nếu muốn tiêm văcxin đạt hiệu quả em cần phải làm gì? Xin cảm ơn BS!
(Thu Hường-Hà Nội)
Chào em Hường,
Tuổi được Bộ Y tế VN khuyến cáo tiêm hiện nay là 9-26 tuổi (không khuyến cáo tiêm ngừa HPV cho phụ nữ trên 26 tuổi).
Văcxin ngừa HPV ngừa được 4 type 6, 11, 16 và 18. Nếu em đã nhiễm 1 type HPV thì vẫn ngừa được các type còn lại.
Thời điểm hiệu quả nhất để tiêm ngừa cho bé gái và phụ nữ trẻ là trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Nhưng ở những người từng quan hệ tình dục, việc tiêm ngừa vẫn có hiệu quả dự phòng.
Lịch tiêm ngừa HPV là 0-2-6 (mũi thứ 2 cách mũi 1 hai tháng, mũi thứ 3 cách mũi 1 sáu tháng). Em tuân thủ đúng lịch tiêm thì việc ngừa bệnh sẽ hiệu quả.
BS Chuyên khoa của AloBacsi
Ảnh minh họa: internet
Cháu 24 tuổi, đã từng quan hệ tình dục và viêm cổ tử cung. Xin hỏi, trường hợp của cháu tiêm ngừa ung thư cổ tử cung có tác dụng hay không?
Cháu đi khám, BS xác định viêm cổ tử cung là do bẩm sinh. Trước đây cháu đã điều trị đốt laze (hay đốt điện gì đó - cháu nhớ không rõ) nhưng mới làm 1 lần và sau đó vì nhiều nguyên nhân nên không tái khám nữa.
Vậy xin hỏi, trường hợp của cháu thì tiêm vắc-xin ngừa ung thư CTC còn có tác dụng hay không? Có điều gì lưu ý so với những trường hợp khác hay không?
Việc tiêm vắc-xin đối với người đã có quan hệ tình dục có gì khác so với người chưa có quan hệ? Cháu xin chân thành cảm ơn.
(Ngoc Nguyen-ngochien_...@yahoo.com)
Ngoc Nguyen thân mến,
Trong y học chỉ có bệnh tim bẩm sinh, dị tật bẩm sinh… hoàn toàn không có viêm cổ tử cung do bẩm sinh bạn ạ.
Trường hợp của bạn có lẽ trước đây bạn bị viêm cổ tử cung lộ tuyến nên có chỉ định đốt tia laser, bệnh này không có chống chỉ định tiêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung nhưng bạn cần tái khám theo dõi xem sau khi đốt, tổn thương cổ tử cung có lành chưa.
Đối tượng được chỉ định tiêm ngừa vắc-xin HPV: Nữ giới 9 - 26 tuổi, bé gái từ 11 - 12 tuổi là tốt nhất, chưa quan hệ hoặc đã quan hệ tình dục. Do đó, người phụ nữ nên chủng ngừa vắc-xin trước khi có quan hệ tình dục, vì việc tiêm chủng sẽ đạt hiệu quả tốt nhất trên những phụ nữ chưa từng nhiễm bất kỳ type HPV nào trong những type HPV có trong thuốc chủng ngừa.
Bạn vẫn còn trong độ tuổi tiêm ngừa HPV, nhưng đã quan hệ tình dục thì hiệu quả vắc-xin sẽ giảm so với những người chưa quan hệ tình dục.
BS Chuyên khoa của AloBacsi
Em 26 tuổi, mới kết hôn được 2 tháng. Vợ chồng em muốn sang năm có baby nên trong tháng 8 này em có đi chích ngừa rubella. Và đồng thời em cũng muốn chích ngừa ung thư cổ tử cung vì em nghe nói 26 tuổi là hết chích ngừa được rồi. Vậy bác sĩ có thể cho em biết mới chích ngừa rubella thì giờ chích ngừa UTCTC được không ạ?
(Kim Anh-kimanh@...com)
Chào Kim Anh,
Qua thư cho thấy vợ chồng bạn rất quan tâm đến sức khỏe sinh sản. Tiêm ngừa trước khi mang thai giúp phòng ngừa các bệnh có thể ảnh hưởng trên thai như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan siêu vi B...
Do đó, trước khi có thai bạn cần tiêm phòng nhiều bệnh lý trên chứ không chỉ có bệnh rubella, bạn nhé.
Nếu mắc những bệnh này trong thời gian mang thai, người mẹ dễ có nguy cơ sảy thai, thai lưu, thai suy dinh dưỡng, dị tật bẩm sinh…
Chỉ định tiêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung cho đối tượng nữ giới từ 9-26 tuổi, vậy tuổi của bạn cũng còn nằm trong giới hạn được khuyến cáo, bạn nên nhanh chóng tiêm ngừa. Tuy nhiên, bạn đã quan hệ tình dục thì hiệu quả vắc-xin sẽ giảm so với những người chưa quan hệ tình dục.
Hiện tại, bạn đã tiêm ngừa bệnh rubella thì chưa thể tiêm ngừa ung thư cổ tử cung, bạn nên tiêm ngừa cách nhau 1 tháng.
Thân ái chào bạn!
BS Chuyên khoa của AloBacsi
Em đã tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung đủ 3 mũi. Nhưng sau khi tiêm mũi thứ 3 (tháng 5/2011) xong thì tình hình kinh nguyệt của em không ổn định.
Tháng 6, 7 lượng kinh của em rất ít, tháng 8 thì nhiều hơn 1 chút nhưng vẫn ít. Em muốn hỏi BS, liệu tình trạng của em có phải do ảnh hưởng của văcxin hay do bệnh lý? Nếu do bệnh lý thì em cần dùng thuốc gì để điều chỉnh kinh nguyệt? Em có cần gặp bác sĩ không?
Trước khi tiêm mũi thứ 3 kinh nguyệt của em vẫn bình thường. Em 24 tuổi đã lập gia đình nhưng hiện tại chưa có em bé. Cảm ơn bác sĩ đã tư vấn giúp em!
(Lan Hương-Hải Phòng)
Lan Hương mến, Kinh nguyêt ít khi lượng hành kinh dưới 3 ngày hoặc tổng lượng máu kinh dưới 20ml.Tình trạng kinh ít của em chỉ mới 2-3 tháng nay, em xem lại trong thời gian đó công việc hoặc gia đình có chuyện gì căng thẳng, lo lắng buồn phiền nhiều không, vì có thể là nguyên nhân gây kinh ít. Nếu có thì tìm cách khắc phục từ từ kinh sẽ trở lại bình thường.
Nguyên nhân kinh ít còn do bệnh lý của tử cung, buồng trứng, thiếu máu nặng, tiểu đường…
Tiêm vắc xin ngừa bệnh là đưa một lượng virut đã chết hoặc giảm độc lực vào cơ thể để kích thích cơ thể tạo kháng thể chống lại virut. Chưa có tài liệu khoa học nào cho thấy tiêm vắc xin gây ảnh hưởng kinh nguyệt cả. Tình trạng của em chỉ là trùng hợp thôi.
Nếu em nghi ngờ bệnh lý thì nên khám sớm để tìm nguyên nhân điều trị, em nhé!
Theo AloBacsi