Con dâu và bà mẹ chồng keo kiệt

camnhung |

Cũng chính vì câu chuyện buồn của gia đình chồng mà cô thay tâm đổi tính, không còn tiêu pha phung phí như trước nữa.

Cô cứ nghĩ rằng mẹ chồng mình là một người hà tiện. Tất cả những hành động lạ lùng của bà gây cho cô nhiều ác cảm. Nhưng rồi cô đã hiểu, mẹ chồng cô là người phụ nữ thật đáng cảm phục.

Bây giờ thì Ngân đã khác xưa nhiều lắm, ngay đến cả bố mẹ đẻ của cô cũng phải ngạc nhiên vì sự thay đổi của con gái mình, ông bà vẫn thường thủ thỉ với nhau rằng: “Con gái đi lấy chồng, nó chín chắn, già dặn, nên người hẳn”.

Trước đây Ngân vốn nổi tiếng là cô tiểu thư hoang phí, thâm chí bạn bè còn đặt cho cô hẳn một biệt danh: “Tín đồ mua sắm”. Ngân xuất thân là con nhà giàu, lại được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ, thích gì được nấy, chẳng bao giờ phải tính toán, so đo chuyện tiền nong nên cô quen với thói tiêu tiền “thả phanh”. Thói quen của Ngân rất lạ lùng đối với gia đình Khánh, chồng cô. Mặc dù gia đình Khánh rất khá giả, có của ăn, của để, nhưng họ lại sống rất tiết kiệm, không bao giờ chi tiêu lãng phí.

Những ngày đầu về nhà chồng, Ngân chưa quen với nếp sống mới. Cô thoải mái sắm sửa, từ các vật dụng trong nhà cho tới cả quần áo, son phấn, không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho cả chồng, anh em chồng và mẹ chồng. Ngân vốn “thảo tính”, vô tư, cô chỉ nghĩ đơn giản rằng làm như vậy mọi người trong nhà sẽ vui vẻ, bởi: “Ai mà chẳng thích có đồ mới!”.

Đồ Ngân sắm toàn là những hàng hiệu, đắt tiền, cô luôn tâm niệm rằng: “Đã dùng thì phải dùng hẳn đồ xịn, đồ tốt, như vậy thì cuộc sống mới đầy đủ, hạnh phúc được.” Những đồ dùng cá nhân, đồ đạc riêng của hai vợ chồng, Ngân ra sức sắm sửa, có những thứ chưa dùng đến, cô đã mua sẵn để… dự phòng, mặc dù trước đó, mẹ chồng cô đã lo cho đôi trẻ đầy đủ cả.

Mẹ chồng Ngân là người cẩn thận, chu đáo, bà không để cho các con mình phải thiếu thốn thứ gì, nhưng cũng rất cần kiệm. Không bao giờ người ta thấy bà phí phạm một thứ gì. Bà chi tiêu rất khoa học và có tính toán. Từ ăn ở đến phục trang bà đều rất giản dị. Năm người con của bà cũng học được tính của mẹ, họ đều có nếp sống tiết kiệm.

Những ngày đầu về nhà chồng, Ngân mua cho mẹ chồng rất nhiều quần áo, toàn là đồ tinh tế, đắt tiền, rất hợp với tuổi và vóc dáng bà, đó không chỉ là những món quà mà còn thể hiện tình cảm kính yêu mà cô dành cho mẹ chồng mình.

Nhưng thật lạ lùng, mẹ chồng cô hiếm khi mặc những bộ quần áo mới mà con dâu mua cho, bà vẫn dùng những đồ cũ của mình, họa hoằn lắm mới thấy bà động tới những bộ quần áo đắt tiền ấy. Ngân thấy mẹ chồng ít mặc đồ mình mua nên tưởng rằng bà không thích, cô lại cất công đi mua những bộ đồ khác, lần sau đẹp hơn, đắt tiền hơn lần trước, và cũng tốn nhiều tâm sức của cô hơn. Ngân gói ghém thật sang trọng, mang về biếu mẹ chồng, nhưng bà chẳng những không tỏ ra vui vẻ, vừa lòng mà dường như còn hơi khó chịu.

Bà vẫn cảm ơn con dâu, nhưng nhìn những cái cau mày và những tiếng thở dài của mẹ chồng, Ngân biết rằng bà có điều không vừa ý. Nhiều lần, mẹ chồng bảo Ngân không phải mua sắm cho bà nữa, vừa tốn kém lại vừa không cần thiết. Những lời bà nói đều thật lòng, nhưng cô con dâu mới lại cứ nghĩ rằng mẹ chồng “nói dỗi” thế.

Ảnh minh họa

Rồi vài lần, trong bữa cơm, Ngân thấy mẹ chồng nhắc nhở các con rằng không được lãng phí đồ ăn, thấy bà thường cất thức ăn thừa đi để sáng hôm sau làm bữa ăn sáng cho cả nhà. Rồi lại thấy cách mẹ chồng chi tiêu, cách bà tính toán tiền nong hằng ngày rất cẩn thận, kỹ lưỡng, Ngân nghĩ mẹ chồng mình là người keo kiệt, hà tiện. Từ đó, cô trở nên có ác cảm với mẹ chồng.

Một lần, vào ngày giỗ bố chồng, Ngân thấy mẹ chồng làm toàn món ăn ngon, mâm cao cỗ đầy để thắp hương ông, nhưng đến bữa ăn, bà lại chỉ ăn mỗi một lưng cháo trắng với vài quả cà muối mặn, vừa ăn, mắt bà vừa rơm rớm. Ngân thấy rất lạ, cô đem nỗi thắc mắc đi hỏi chồng thì được anh kể lại.

Đó là những ngày xưa lắm, khi mà năm anh em Khánh còn nhỏ, nhà rất nghèo, thường xuyên không có đủ gạo ăn. Cả nhà anh phải nấu cháo loãng ăn với muối, hôm nào sang lắm thì có thêm vài quả cà. Ngày nhỏ, các anh em anh hiếm khi nào biết được cảm giác no, dù chỉ là no cơm gạo trắng.

Nhiều hôm, bố mẹ anh phải nhịn cơm để nhường cho các con. Bố mẹ anh đã làm việc rất vất vả, cực nhọc để nuôi được năm anh em anh khôn lớn. Bố anh đã phải làm rất nhiều nghề. Ông không quản nhọc nhằn, không ngại bất cứ việc gì, miễn là kiếm được tiền nuôi gia đình. Lao động quá vất vả, lại không đủ ăn, không được nghỉ ngơi, bố anh ốm yếu rồi lao lực.

Ông qua đời vì bị ngã xuống sông đang cố khuân một bao tải cát. Người ông lúc ấy chỉ có da bọc xương. Bố anh đã mất mà chưa được ăn lấy một bữa cơm no, chưa được hưởng lấy một ngày sung sướng. Nghe chồng kể lại chuyện ngày xưa, Ngân đã hiểu ra tất cả, nước mắt cô ướt đẫm cả khuôn mặt tự lúc nào.

Ngân hiểu rằng không phải mẹ chồng cô keo kiệt, mà chính cái chết của chồng đã ám ảnh bà, sự nghèo đói, lam lũ trước đây đã khắc sâu vào tâm trí của bà, bởi vậy mà không bao giờ bà cho phép mình được hoang phí, điều đó làm bà thấy có lỗi với người chồng đã khuất.

Hiểu được nỗi lòng của mẹ chồng, Ngân càng thấy cảm phục và yêu kính bà hơn. Cũng chính vì câu chuyện buồn của gia đình chồng mà cô thay tâm đổi tính, không còn tiêu pha phung phí như trước nữa.

Theo Phụ nữ Today

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại