Em tiêm thuốc tránh thai (3 tháng/lần), đến mũi thứ 2 thì bị mất kinh, đến nay đã được 10 tháng mà em vẫn chưa thấy có kinh nguyệt trở lại. Liệu em có bị làm sao không ạ?
Chào
các chị, em năm nay 25 tuổi, đã có gia đình và được một bé gái 18 tháng
và đã cai sữa cháu được 1 tháng. Sau khi sinh cháu em thấy có kinh
nguyệt được 2 tháng, sau đó em tiêm thuốc tránh thai (3 tháng/lần).
Em tiêm đến mũi thứ 2 thì bị mất kinh, đến nay đã được 10 tháng mà em vẫn chưa thấy có kinh nguyệt trở lại. Em rất lo lắng, liệu em có bị làm sao không ạ? Em mong các chị tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Hằng - HN)
Trả lời:
Chào em Hằng!
Thuốc tiêm tránh thai được coi là hình thức tránh thai hiện đại nhất và được áp dụng cho phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ muốn dùng một biện pháp tránh thai tự chọn, và không có chống chỉ định.
Thuốc tiêm tránh thai có ưu điểm là tránh thai được lâu dài (3 tháng) và có hiệu quả tránh thai cao (99,6%). Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế rụng trứng gần như 100%. Ngoài ra, còn ức chế chất nhầy cổ tử cung cũng rất mạnh, khiến cho tinh trùng không thể thâm nhập được để lên buồng tử cung, làm teo niêm mạc tử cung khiến trứng khó có khả năng làm tổ.
Thuốc tiêm tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai thích hợp với phụ nữ đang nuôi con bú mà muốn tránh thai. Ngoài ra, thuốc tiêm tránh thai còn rất phù hợp cho những phụ nữ bị tác dụng phụ do estrogen (có trong viên TTT loại uống), hoặc không thể dùng được estrogen do chống chỉ định, và những người hay bị các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau bụng nhiều vào thời gian rụng trứng, thay đổi cảm xúc, mệt mỏi, tăng cân...
Tuy nhiên, thuốc tiêm tránh thai có nhược điểm là nếu chẳng may có tác dụng phụ không chịu đựng được thì lại không thể đưa thuốc ra nhanh khỏi cơ thể. Một nhược điểm khác là hay gây rối loạn kinh nguyệt, hoặc gây mất kinh.
Trường hợp của em sau khi tiêm thuốc tránh thai không thấy kinh nguyệt (vô kinh) là do tác dụng phụ của thuốc, nhưng điều này không đáng ngại, không cần phải điều trị.
Tuy nhiên, để yên tâm hơn, em nên đến gặp những bác sĩ sản phụ khoa để kiểm tra, siêu âm và được tư vấn cụ thể. Hoặc em cũng có thể trao đổi kỹ hơn với các chuyên gia tư vấn của tổng đài tư vấn nhé.
Theo Afamily