Ảnh minh họa: committed-4-life.com
Các nhà khoa học của Đại học Ohio tại Mỹ phân tích dữ liệu về cuộc sống gia đình của gần 1.000 cặp vợ chồng từ năm 1980 tới năm 2000. Căn cứ vào số lần các cặp vợ chồng tỏ ra bất đồng quan điểm, cãi cọ hay sử dụng vũ lực với nhau trong các giai đoạn thời gian, các chuyên gia chia họ thành ba nhóm dựa theo mức độ xung đột: thấp, trung bình và cao.
Kết quả cho thấy đa số cặp vợ chồng thuộc nhóm xung đột trung bình (hơn 60%). Nhóm xung đột thấp chiếm tỷ lệ thấp nhất (16%), còn nhóm xung đột cao chiếm 22%. Nhóm nghiên cứu nhận thấy mức độ xung đột của mọi gia đình đều không thay đổi trong suốt 20 năm mà họ theo dõi. Họ cho rằng đây là tin xấu đối với những gia đình thường xuyên chứng kiến cảnh tượng cãi cọ hoặc xung đột.
Một điểm đáng chú ý là những cặp đôi có mức độ xung đột thấp thường cùng tham gia vào quá trình ra quyết định.
“Điều này thú vị vì nhiều người nghĩ rằng vợ chồng rất dễ xung đột nếu họ cùng bàn bạc để ra quyết định. Nhưng chúng tôi lại không nhận thấy xu hướng đó. Rất có thể khi cả vợ và chồng cùng ra quyết định, họ sẽ hài lòng hơn với mối quan hệ và ít xung đột hơn”, giáo sư Claire Kamp Dush, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Theo VnExpress/ Healthday