GS.TS Nguyễn Đức Vy, nguyên giám đốc BV Phụ sản TƯ, chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam cho biết, quá trình điều trị vô sinh thường kéo dài, tốn kém và không ít cặp vợ chồng đã tan vỡ.
Khó nhất là không tìm ra nguyên nhân
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế, giám đốcBV Phụ sản TƯ cho biết, theo thông kê của Bộ Y tế, số người vô sinh ở Việt Nam ở mức 8% và 10 - 15% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Mỗi ngày Trung tâm Hỗ trợ sinh sản,BV Phụ sản TƯ tiếp nhận khám, tư vấn và điều trị cho khoảng trên 100 ca vô sinh.
Có con luôn là ước vọng của các cặp vô sinh
Nguyên nhân vô sinh cũng có rất nhiều và phức tạp. Đối với người chồng thường do chất lượng và số lượng tinh trùng không tốt. Về phía người vợ có thể do dị tật bẩm sinh ở tuyến sinh dục.
Có khi do các bệnh nội khoa, đặc biệt là ở các loại viêm nhiễm đường sinh dục từ ngoài vào trong có thể gây tắc vòi trứng, dính tử cung, chít hẹp cổ tử cung, thay đổi môi trường âm đạo... làm cho không thể thụ thai.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Vy, điều trị vô sinh tùy theo nguyên nhân để giải quyết bằng nội khoa hay phẫu thuật. Nếu đã thực hiện phương pháp này mà không thành công thì cần tiếp tục chuyển qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Càng sốt ruột, càng khó mang thai
Các chuyên gia cảnh báo, điều khó khăn nhất trong điều trị vô sinh là tâm lý của cả bệnh nhân và bác sĩ. Người đi chữa vô sinh thường rất sốt ruột. Việc sốt ruột, điều trị một lúc nhiều thầy, nhiều thuốc cả Đông và Tây y có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm bởi sự tương tác thuốc. Đặc biệt, yếu tố tâm lý rất quan trọng trong điều trị vô sinh.
Ở một phụ nữ bình thường nếu stress diễn ra thường xuyên cũng rất khó thụ thai, còn ở phụ nữ có "vấn đề về sinh nở" lại càng khó khăn hơn nếu họ không tự vượt qua được những áp lực từ bản thân, gia đình, xã hội... thì khó mà có kết quả được.
Theo Thúy Nga
Khoa học và Đời sống